Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam.
Theo đó, Geleximco và HUI đề xuất tham gia một số dự án như đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và Tp.HCM đến Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo ước tính, tổng chi phí 4 dự án có thể lên tới gần 50 tỷ USD.
Ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch của Geleximco cho biết đây mới là ý tưởng huy động vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông Việt Nam sau chuyến đi Hồng Kông vừa rồi của ông. Đây đều là những công trình giao thông lớn của Việt Nam vì vậy cần một lượng vốn rất lớn. HUI là một tổ chức có tiềm lực tài chính mạnh.
Trước đó, HUI đã thành lập Công ty TNHH MTV Hong Kong United Investoer Holding Việt Nam vào ngày 15/8/2016 để chuẩn bị cho lộ trình đầu tư của mình tại Việt Nam.
Công ty có vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng chuyên ngành xây dựng, đường sắt, đường bộ và hoàn thiện các công trình xây dựng và trụ sở công ty con này được đặt tại toà nhà 36 Hoàng Cầu (Hà Nội) của Geleximco.
Đáng chú ý là trước đó, Geleximco từng có trải nghiệm kém vui với việc đầu tư hạ tầng giao thông.
Cụ thể, giữa năm 2013, Geleximco, chủ đầu tư dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BT, đã có văn bản xin dừng triển khai dự án do không thể hoàn thành công trình theo tiến độ đã cam kết.
Trong văn bản này, Geleximco "xin được bàn giao lại dự án cho các địa phương đầu tư hoặc Bộ Giao thông Vận tải, hoặc cho phép chuyển hình thức đầu tư dự án bằng nguồn vốn vay ODA theo hình thức PPP, trong đó đơn vị này xin làm nhà đầu tư thứ nhất".
Lý lẽ của Gleximco là do quỹ đất đối ứng cho dự án của cả tỉnh Hòa Bình và Hà Nội không đủ để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường. Tính toán của nhà đầu tư cho thấy, tổng mức đầu tư dự án dài khoảng 33 km này vào khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hòa Bình cần 6.745 tỷ đồng và đoạn qua thành phố Hà Nội cần 11.021 tỷ đồng.
Trong khi đó, Gleximco được Hòa Bình bố trí cho 3 dự án đối ứng là khu đô thị Yên Quang 150 ha, khu đô thị Trung Minh 130 ha, sân golf Trung Minh 36 lỗ. Dự án đối ứng trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến là khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc có diện tích 600 ha.
Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư quá lớn, sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng nên Geleximco sẽ "rất khó để hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết".
Sau khi Geleximco "trả lại dự án", Văn phòng Chính phủ đã có văn bản mở đường cho việc tìm kiếm nhà đầu tư mới cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình.
Cụ thể, Chính phủ cho phép ghép dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình vào dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thành dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình để triển khai theo hình thức hợp đồng BOT và giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.
Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nhà đầu tư Geleximco bàn giao toàn bộ các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời, hoàn chỉnh thủ tục kết thúc dự án BT xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình theo quy định.
Hiện nay, Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình có chiều dài 25,7km, tổng mức đầu 2.375 tỷ đồng đang được đầu tư theo hình thức BOT do liên danh Tổng Công ty 36 - Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại Hà Nội - Công ty Cổ phần Xây lắp và thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư.
Tuy nhiên dự án cũng đang chậm tiến độ do vướng mắc trong khâu đền bù GPMB của chính quyền hai địa phương nơi dự án đi qua. Đặc biệt, toàn bộ tuyến đi qua địa bàn TP Hà Nội dài 6,37km hầu như vẫn "án binh bất động" trong hơn một năm qua.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.