Tài chính quốc tế

Quan chức Trung Quốc cảnh báo ‘khó khăn chưa từng có’ trong năm 2022

(VNF) - Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ren Hongbin cho biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với "khó khăn chưa từng có" trong việc ổn định thương mại trong năm tới.

Quan chức Trung Quốc cảnh báo ‘khó khăn chưa từng có’ trong năm 2022

Quan chức Trung Quốc cảnh báo ‘khó khăn chưa từng có’ trong năm 2022.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 30/12, ông Ren cho biết tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể chậm lại trong năm 2022 khi các nước cạnh tranh phục hồi lại năng lực sản xuất và lạm phát khiến giá trị xuất khẩu giảm dần.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh của năm 2021 cũng khiến cơ sở so sánh cho năm 2022 cao hơn. Mặc dù hiện chưa có số liệu chính thức, song ông Ren dự kiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong năm 2021 sẽ tăng hơn 20%, đạt 6.000 tỷ USD.

Do vậy, để khắc phục những khó khăn này, chính quyền Bắc Kinh sẽ giúp các công ty củng cố khả năng quản lý rủi ro ngoại hối, nỗ lực giảm áp lực từ các vấn đề hậu cần và chuỗi cung ứng quốc tế, đồng thời cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa.

Hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cũng dự báo Trung Quốc sẽ khó giữ được tăng trưởng thương mại ổn định trong năm tới.

Dù trong năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc đã duy trì khả năng phục hồi cao, xuất khẩu đã tăng trưởng đều đặn hai con số, ngoại trừ tháng 2 tăng với mức 155% so với mức sụt giảm của năm 2020.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, triển vọng thương mại năm 2022 kém hơn do nhu cầu hàng hóa Trung Quốc của các nước có thể suy yếu nếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu chững lại. Chưa kể, các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng đang vật lộn với giá nguyên liệu thô cao cũng như chi phí nhân công và vận chuyển tăng cao.

Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 từ 5,4% xuống 5,1%. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai của Trung Quốc kể từ năm 1990 - khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chỉ tăng 3,9%.

Trung Quốc đã phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế trong năm nay, như các biện pháp phòng chống dịch, cuộc khủng hoảng năng lượng và một cuộc chấn chỉnh chưa từng có đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Một đợt chấn chỉnh pháp lý kéo dài một năm đối với công nghệ, giáo dục và giải trí đã ảnh hưởng đến cổ phiếu, gây ra tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt ở nhiều công ty, gây áp lực cho lĩnh vực việc làm ngay cả khi lĩnh vực này đang cố gắng phục hồi sau đại dịch.

Xem thêm >> WSJ lo ngại doanh nghiệp Mỹ có thể mất hoàn toàn thị trường Trung Quốc

Tin mới lên