Tài chính quốc tế

Quan hệ các nước lớn 6 tháng đầu năm: Những nút thắt giữa an ninh và phát triển

(VNF) - Các phân tích gia khi bàn về trật tự đa cực là họ nhìn qua khúc xạ lăng kính lợi ích giữa các nước tầm trung trên vũ đài quốc tế. Các quốc gia ấy không bao giờ thụ động trước một trật tự đang ló dạng, có xu hướng chuyển dịch về lưỡng cực. Đó chính là cấu trúc Mỹ - Trung trên sân khấu quốc tế trong 6 tháng đầu năm qua. Các nút thắt trong các mối liên hệ đa chiều này vừa qua càng cho thấy đây là cặp quan hệ quan trọng nhất của thế kỷ 21.

Quan hệ các nước lớn 6 tháng đầu năm: Những nút thắt giữa an ninh và phát triển

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: VCG.

Các cuộc thương lượng cấp tập trong một thời gian ngắn đã dẫn đến cuộc “kéo co” giữa hai đại cường hàng đầu thế giới, càng làm cho giới quan sát tỏ ra dè dặt. Giáo sư Eswar Prasad, chuyên gia về Trung Quốc, từ Đại học Cornell (Hoa Kỳ), nhận xét: “Những bất đồng căn bản về thương mại và những vấn đề kinh tế khác vẫn còn chưa được giải quyết khiến cho các xung khắc triền miên trong bang giao Trung-Mỹ có thể dấy lên căng thẳng bất kỳ lúc nào”. Thế lưỡng nan về thương mại toàn cầu ấy lại đan xen với các thách thức về an ninh và phát triển, khiến cho bức tranh tổng thể càng thêm đan xen và phức tạp.

Đối thoại Shangri-La 2018

Mỹ và Ấn Độ một lần nữa đã tận dụng cơ hội để khẳng định rõ hơn về tầm nhìn của họ đối với Indo-Pacific (khu vực Ấn Thái Dương) trong Đối thoại Shangri-La mùa hè 2018 vừa qua (từ 1-3/6/2018). Nói một cách thẳng thừng, cả hai tầm nhìn đều tập trung vào khu vực Đông Á và dù luôn né tránh chuyện đối đầu với Trung Quốc, cả Mỹ lẫn Ấn Độ đều lấy đối trọng và cân bằng với Bắc Kinh để làm nền tảng cho chính sách trong giai đoạn mới.

Không phải ngẫu nhiên khi Mỹ công bố quyết định đổi tên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Thái Dương (Indo-Pacific/Ấn Thái Dương) ngay trước diễn đàn quân sự lớn ở Singapore. Đây không hẳn là một hành động mang tính tượng trưng, người đứng đầu Bộ chỉ huy Ấn Thái Dương, Đô đốc Philip Davidson, cách đây không lâu, đã nói về viễn cảnh Trung Quốc sẽ kiểm soát cả Biển Đông và vươn vòi bạch tuộc ra ngoài khu vực, đến tận các khu vực vốn chịu sự ảnh hưởng truyền thống của Mỹ như châu Đại Dương.

"Không quốc gia nào có thể hoặc có quyền thống trị cả châu Á - Thái Bình Dương. Với các quốc gia mong muốn hòa bình và quyền tự quyết, chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm làm việc cùng nhau để cùng xây dựng một tương lai chung”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát như thế biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018 ngày 2/6. Cần nhìn ra ý tứ sâu xa trong tuyên bố này. Người Mỹ cách đây vài mươi năm chưa bao giờ có khái niệm cùng chia sẻ sự ảnh hưởng với nước khác tại khu vực, nhưng hiện giờ thì đã có.

Việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một trong hai trụ cột xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama khiến nhiều người bối rối. Thực tế thì tầm nhìn Ấn Thái Dương đã xuất hiện như thể đã được chuẩn bị từ trước và thay thế cho cái gọi là xoay trục đó. Bộ trưởng Mỹ Mattis giải thích một cách khéo léo: “Nói cho rõ như thế này, chúng tôi không yêu cầu bất kỳ quốc gia nào phải chọn Mỹ hoặc Trung Quốc. Bởi vì một người bạn sẽ không bao giờ yêu cầu bạn phải chọn chơi với ai trong số họ”. Đây cũng là lần đầu tiên người ta nghe người Mỹ nhắc tới cụm từ “hướng tây” trong một tuyên bố chính thức.

Bài phát biểu mở màn năm nay đã được dành cho thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của Đông Nam Á. Cách đây không lâu, sự hồi sinh của các gọi là "Tứ giác kim cương" với 4 đỉnh là Ấn Độ, Úc, Mỹ và Nhật Bản đã khiến Trung Quốc thực sự khó chịu. Cần hiểu sự khó chịu này đến từ mục đích ban đầu của sự hợp tác “Bộ Tứ” này (Quad) là nhằm để đối phó với sự trỗi dậy “không hoà bình” của Trung Quốc. Với tiềm lực đang lên và nhu cầu cần nhiều hơn không gian chiến lược, không lấy làm lạ khi Bắc Kinh khó chịu ra mặt lúc cuộc họp “Bộ Tứ” này được tổ chức hồi tháng 2/2018.

Sự can dự của các nước lớn vào Đông Nam Á, ở một khía cạnh nhất định đem lại cơ hội cho các nước nhỏ. Nhưng chuyện chọn hay không chọn, chơi như thế nào là tùy mỗi nước. Suy cho cùng, tất cả cũng vì cái gọi là “lợi ích quốc gia”, mà cụm từ này lại được cắt nghĩa rất khác nhau ở từng nước.

Ưu tiên kinh tế hay an ninh?

Trong quan hệ giữa các nước lớn hiện nay rất khó tách bạch giữa kinh tế và an ninh. Chúng ta thấy điều này qua phản ứng đối với Sáng kiến “Vành đai Con đường” của Trung Quốc. Một mặt, đây là sáng kiến về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng đồng thời nó cũng là vấn đề mang tính địa chiến lược. Vì vậy, luôn có khía cạnh kinh tế trong vấn đề an ninh và ngược lại. Chúng ta có thể nhận ra điều này khi thấy bốn nước thuộc “Tứ giác kim cương” (Quad) đã bày tỏ sự quan tâm với việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực nên đã làm việc với nhau, hợp tác với nhau. Rõ ràng đây là một sự lựa chọn tích cực bên cạnh sáng kiến “Vành đai, con đường” (Belt and Road Initiative/BRI).

Trong những năm tới đây, quan hệ giữa các cường quốc, mà đặc biệt nhất là mối bang giao Trung-Mỹ, trên cấp độ hoạch định chính sách, sẽ bị chi phối bởi tương tác đối trọng và cạnh tranh giữa hai hình thái tập hợp lực lượng. Một bên là BRI “Vành đai, con đường”, còn bên kia là “Chiến lược Ấn Thái Dương” (Indo-Pacific Strategy/IPS). Điều nghịch lý ở đây là “Ấn Thái Dương”, tuy nói là chiến lược nhưng thực chất chỉ mới mức sáng kiến, đang trong giai đoạn thăm dò và định hình chính sách. Ngược lại BRI, thì không còn là sáng kiến nữa mà nó đã được cụ thể hoá thành các dự án, các chương trình làm ăn, ký kết với nhiều nước, nhiều khu vực từ dăm năm trở lại đây rồi.

Theo giới quan sát, “Chiến lược Ấn Thái Dương” (Indo-Pacific Strategy/IPS ) tự do và rộng mở cũng có khía cạnh tích cực, tuy nhiên, vào lúc này Mỹ lại không thể hiện vai trò nhà lãnh đạo dẫn dắt, mà nước này hiện nay vẫn đang bị chi phối bởi các mục tiêu chính trị ở trong nước, đặc biệt, gần đây lại bắt đầu thực hiện chính sách thương mại cứng rắn không chỉ đối với Trung Quốc mà với cả với các đồng minh châu Âu và châu Á. Nếu giữa các đồng minh và đối tác xảy ra chiến tranh thương mại thì sẽ rất khó để thuyết phục mọi người về sự hợp tác chiến lược trong lĩnh vực an ninh.

Chống quân sự hóa Biển Đông

Suốt những tháng gần đây, sau các động thái cụ thể để cảnh cáo Trung Quốc về việc đưa vũ khí hạng nặng xuống Biển Đông và quân sự hóa các đảo họ bồi đắp phi pháp trong vùng tranh chấp với các láng giềng, Mỹ tiếp tục lên giọng với Bắc Kinh. Trên đường bay đến Hawaii để tham dự lễ bàn giao quyền chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 29/5/2018 tuyên bố: “Washington sẽ tiếp tục đối đầu với các hành vi quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh”.

Phát biểu với các nhà báo tháp tùng theo ông đến Hawaii, rồi sau đó qua Singapore tham gia Đối Thoại An Ninh Shangri La vào đầu tháng Sáu, ông Mattis ghi nhận thực tế là cho đến nay “dường như chỉ có một nước duy nhất (là Mỹ) đã có những biện pháp cụ thể để tố cáo các hành vi đó (của Trung Quốc)” trên Biển Đông. Mỹ vẫn sẽ tiếp tục cho thấy sự hiện diện của mình tại Biển Đông vì đó là vùng biển quốc tế nơi có nhiều quốc gia muốn được quyền đi lại tự do.

Đối với bộ trưởng Quốc phòng Mattis, dù mở rộng hợp tác với các nước vùng Thái Bình Dương, nhưng Hoa Kỳ sẽ thách thức những hành vi bị cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế, với những gì mà các tòa án quốc tế đã phán quyết về vấn đề này.

Lời khẳng định được bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh khi ông trả lời câu hỏi của một phóng viên về vụ Bắc Kinh lên tiếng cực lực phản đối việc Hải quân Mỹ, hôm 27/5, đã cho hai chiến hạm tiến vào thao tác bên trong vùng 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã chiếm trọn từ tay Việt Nam vào năm 1974, xây dựng trên đó nhiều cơ sở quân sự và bố trí chiến đấu cơ, tên lửa.

Giải thích về các quyết định cứng rắn mới đây của Mỹ đối với Trung Quốc, trong đó có việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018, ông Mattis cho rằng Bắc Kinh đã nuốt lời cam kết không quân sự hóa Biển Đông. Khi người Trung Quốc hành động thiếu minh bạch với chúng ta, thì chúng ta không thể tiếp tục hợp tác với họ trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trong việc tập trận.

Xem thêm >> Tổng thống Trump lại ‘lá mặt lá trái’ với Triều Tiên

Tin mới lên