Sắp xếp bộ máy: Tinh gọn từ Trung ương xuống địa phương
(VNF) -Theo chuyên gia, yêu cầu tinh gọn bộ máy không chỉ đặt ra với các cơ quan trung ương mà các tỉnh, thành phố cũng cần thiết thực hiện yêu cầu này. Do đó, cũng cần tính toán đến việc giảm các tỉnh, thành phố hiện nay.
Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc
Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Một trong những nội dung được quan tâm nhất trong bài viết đó là nội dung liên quan tới việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy cho hiệu lực, hiệu quả.
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, vẫn cồng kềnh nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Mới đây, trong báo cáo Chính phủ về tổng kết thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, ngành vẫn chưa thật sự gọn nhẹ.
Tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng thực thi pháp luật trong bộ máy hành chính Nhà nước dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khó khắc phục.
Cụ thể, theo số liệu từ Bộ Nội vụ, trong 7 năm qua đã giảm được 17 Tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 10 Cục; giảm 145 Vụ/Ban thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; giảm cơ bản phòng trong vụ.
Ở cấp địa phương, đến nay đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp, giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước.
Dẫu vậy, việc giảm vẫn chưa đạt yêu cầu và vẫn cần giảm nữa. Thêm vào đó là vấn đề tinh giản biên chế, dù đã được các Bộ ngành, địa phương quyết tâm, nỗ lực triển khai trong thời gian khá dài, nhưng đến nay vẫn còn tình trạng “nếu bộ tôi giảm 30-40% biên chế cũng chẳng hề hấn gì”, như đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định) dẫn lời một bộ trưởng khi tranh luận tại hội trường chiều 4/11 liên quan đến vấn đề tinh gọn bộ máy.
Trong khi đó, tiền trả lương để nuôi “bộ máy cồng kềnh” này đang “ngốn” đến 70% ngân sách Nhà nước.
Trước thực trạng trên, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần nghị quyết 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Hiện tại là thời điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố phù hợp để thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo ông, công việc hệ trọng này cần được tiến hành khẩn trương, thận trọng, khoa học và có tính nguyên tắc. Mục tiêu cao nhất là sau khi sắp xếp, bộ máy phải phục vụ tốt nhất sự phát triển đất nước và nhu cầu của nhân dân.
Tại Thông cáo Hội nghị Trung ương Ban Chấp hành khóa 13 diễn ra ngày 25/11/2025 cho biết, về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả": Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 xác định đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và toàn hệ thống chính trị. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Giao Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW: Quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng. Chỉ đạo xây dựng Báo cáo tổng kết; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 thông qua", thông báo ghi rõ.
Tổ chức lại bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực
Để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai một cách có hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Những bộ, ngành có những phần chức năng giao thoa hoặc tương tự nhau hoặc có phần liên quan tới nhau có thể sắp xếp lại.
PGS.TS Ngô Thành Can - Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia lấy ví dụ: “Có những ý kiến đề xuất sắp xếp lĩnh vực Giao thông với Xây dựng đi cùng với nhau, lĩnh vực Tài chính với Kế hoạch Đầu tư đi cùng với nhau… Nếu tổ chức được mô hình tổng thể từ Trung ương, tới địa phương, bộ máy sẽ tinh, gọn, giảm nhiều đầu mối chung và giảm cồng kềnh đi nhiều. Bước đầu, qua theo dõi thông tin, tôi thấy rằng, Chính phủ cũng đã có ý kiến về nghiên cứu xây dựng, sắp xếp các bộ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Trước mắt, phải tập hợp các vấn đề lại để thực hiện sao cho phù hợp”.
Ông Can nhấn mạnh, việc này cần phải làm quyết liệt, mạnh mẽ nhưng cũng phải thực hiện chặt chẽ, khoa học để đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Chính phủ nên tinh gọn còn khoảng 15 - 16 bộ. Quan trọng hơn là phải tiếp tục xây dựng các bộ đa ngành, đa lĩnh vực và xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ trong bộ máy Chính phủ. Trong đó phải phân định rõ ràng Thủ tướng làm gì, các thành viên Chính phủ (Bộ trưởng, trưởng ngành) làm gì và xác định rõ Thủ tướng không làm thay việc của Bộ trưởng.
Tương tự với Quốc hội, theo ông Dĩnh, cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sắp xếp hợp lý các cơ quan thuộc Quốc hội theo nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực, từ đó tinh gọn bộ máy của Quốc hội...
Đồng thời ông Dĩnh nhấn mạnh, yêu cầu tinh gọn bộ máy không chỉ đặt ra với các cơ quan trung ương mà các tỉnh, thành phố cũng cần thiết thực hiện yêu cầu này. Do đó, cũng cần tính toán đến việc giảm một nửa các tỉnh, thành phố hiện nay.
“Chúng ta dù diện tích không phải lớn nhưng có tới 63 tỉnh thành, trong đó nếu Thành phố Huế được Quốc hội thông qua thì có 6 thành phố trực thuộc trung ương”, ông Dĩnh nêu.
Do vậy, việc tính toán sáp nhập lại sẽ giúp tinh gọn bộ máy ở các địa phương và quan trọng hơn là tạo nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, con người để phát triển.
Tổng Bí thư: 'Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là việc rất nhạy cảm, phức tạp'
- Tổng Bí thư: 'Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc' 19/11/2024 04:02
- Tinh gọn bộ máy: Cốt lõi là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ 18/11/2024 07:00
- Tổng Bí thư: 'Không tinh gọn bộ máy, không thể phát triển được' 31/10/2024 02:20
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.