Tắc suốt 20 năm: ‘nhiều dự án vướng mắc từ khi có Luật Đất đai 1993 đến nay’

Lệ Chi - 01/08/2024 15:30 (GMT+7)

(VNF) - Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, cho biết rất nhiều dự án vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ tài chính từ khi đang thực hiện Luật Đất đai năm 1993, cho đến nay vẫn tắc.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Vận hội mới của thị trường bất động sản” ông Chính cho biết, rất nhiều dự án vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ tài chính từ khi đang thực hiện Luật Đất đai năm 1993, cho đến nay vẫn tắc.

“Có những dự án, chúng ta áp dụng theo luật ban hành năm 1993, chứ không phải năm 2013. Ngay cả với Luật năm 2013, nhiều địa phương không thực hiện được, dẫn đến nhiều sai phạm trong câu chuyện về định giá đất, từ đó, xảy ra vấn đề sợ sai, không dám làm”, ông nói.

Theo Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, có những lỗi không phải từ chủ đầu tư mà thuộc về cơ quan nhà nước về cơ chế.

Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong khi đó, ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại cho rằng: “Chúng ta hay nói là vướng mắc về mặt pháp lý, nhưng thế nào là vướng mắc? Do cơ chế chính sách làm cho dự án không thực hiện được, hay chúng ta không thực hiện được dẫn đến vướng mắc? Tôi cho rằng phần lớn do vế thứ 2”.

Theo ông Bình, dù luật đã quy định nhưng nhiều dự án không làm theo tuần tự, dẫn đến sai sót là câu chuyện thường xuyên xảy ra. Theo quy định trước đó, thời điểm định giá là thời điểm có quyết định cho thuê đất, nhưng lại không quy định bao lâu phải ban hành quyết định về giá đất. Điều này gây ra những sự trì trệ.

Vấn đề này sẽ giải quyết thế nào? Ông Bình cho rằng Luật Đất đai năm 2024 sẽ tháo gỡ vướng mắc về mặt định giá.

Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh việc đẩy sớm 3 luật sớm hơn dự kiến tới 5 tháng, rất có lợi cho bất động sản. Theo đó, dự án tiếp cận đất đai minh bạch hơn. Ngoài ra, có rất nhiều cơ chế tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư bất động một cách rất minh bạch. Khi cơ chế minh bạch sẽ tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư, người dân cũng không vướng các thủ tục pháp lý như trước đây.

Tất nhiên, theo ông Bình, trong luật tháo gỡ nhiều là giá đất và bồi thường tái định cư. Trước đây, luật quy định giá cụ thể, song nhiều nơi định giá còn thấp so với thị trường. Quy định mới dù vẫn dùng giá cụ thể, nhưng dần tiếp cận với giá thị trường. Giá đất tăng, bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi tốt hơn. Ngoài ra, các loại đất được quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn.

Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, ông Đào Trung Chính, cũng cho rằng Luật Đất đai mới sẽ giải quyết được vấn đề các dự án vướng mắc. Thứ nhất, đối với những lỗi không phải từ chủ đầu tư mà thuộc về cơ quan nhà nước về cơ chế, Luật Đất đai mới sẽ giải quyết được. Thứ hai, trường hợp nào nhà nước thu hồi, trường hợp nào doanh nghiệp phải tự thực hiện, Luật Đất đai năm 2024 cũng đã có quy định rất rõ. Thứ ba, vấn đề minh bạch về trường hợp nào thực hiện đấu giá, trường hợp nào đấu thầu, trường hợp nào được tự thực hiện.

Việc 3 luật có hiệu lực sớm, ông Chính hy vọng sẽ tháo gỡ được vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay. Tuy nhiên, còn phải trông chờ các thủ tục hướng dẫn thi hành, thông tư của các bộ.

Đến nay, ông thông tin có 5 Nghị định được ban hành, trong đó bao gồm: Nghị định về hoạt động lấn biển; Nghị định về định giá đất; Nghị định về bồi thường tái định cư; Điều tra đánh giá đất đai. Đây là các nghị định chung, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Còn 2 Nghị định nữa gồm: Thu tiền sử dụng đất; Nghị định về quyết định phát triển đất do Bộ Tài chính soạn thảo, đã trình ký.

Cùng chuyên mục
Tin khác