Tái cấu trúc: Chìa khóa cho sự thích ứng của doanh nghiệp ngành xây dựng

Hoàng Ngân - 23/05/2023 16:26 (GMT+7)

(VNF) - Tái cấu trúc với các định hướng chiến lược mới đang trở thành giải pháp vượt khó của doanh nghiệp ngành xây dựng trong tình hình mới.

Thị trường xây dựng có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực

Trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua, Novaland cho hay đã ký kết biên bản thỏa thuận với MBBank và các công ty xây dựng như: Hòa Bình, DIC, CC1, Handong, Vân Khánh, Coma9… để hợp tác triển khai lại các dự án ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Phan Thiết. Trước đó, hôm 19/4, Novaland cũng ký kết thỏa thuận cùng TPBank và Ricons để triển khai xây dựng hoàn thiện dự án The Grand Manhattan (quận 1, TP. HCM).

Nhiều nguồn tin cũng cho biết, một loạt dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh từ TP. HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định… cũng sẽ tái khởi động trong thời gian tới. Hiện tại các công trình New Galaxy (Dĩ An, Bình Dương), Vung Tau Pearl (TP.Vũng Tàu)… của tập đoàn này cũng liên tục được cập nhật tiến độ.

Song song với tình hình ấm dần lên của bất động sản trong quý II, giai đoạn 2023 - 2024 dự báo sẽ là cao điểm giải ngân đầu tư công, qua đó mang đến nguồn việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Sự khởi sắc của bất động sản công nghiệp trước dòng vốn lớn về FDI đang chảy về các địa phương chính là cơ hội tiếp theo cho ngành này.

Bên cạnh đó, câu chuyện về giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng cũng sẽ là những từ khóa giải đáp bài toán kế hoạch kinh doanh của các ông lớn làng thầu xây dựng.

Tìm hướng đi mới với tái cấu trúc

Trước tình hình mới, nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhất là lĩnh vực xây dựng dân dụng đã chủ động điều chỉnh chiến lược để duy trì hoạt động kinh doanh và tính cạnh tranh trên thị trường. Trong đó tập trung vào nhiều nhóm giải pháp như tăng cường hợp tác đầu tư, cắt giảm chi phí, tối ưu công tác quản trị - điều hành…

Top 7 giải pháp ưu tiên của doanh nghiệp xây dựng, theo nghiên cứu từ Vietnam Report

Trong ĐHĐCĐ hồi cuối tháng 4 vừa qua của Coteccons (CTD), Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov cho biết, năm 2023, CTD sẽ đánh giá lại chiến lược dài hạn để điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế.

Hiện CTD đang tiếp tục thực hiện chủ trương kết hợp tối ưu cả định hướng đầu tư dài hạn và ngắn hạn, dựa trên nguồn lực hiện có. Đối với định hướng đầu tư dài hạn, công ty sẽ tiến hành M&A theo hướng đa dạng hóa mở rộng sang các lĩnh vực lân cận trong hệ sinh thái xây dựng, bất động sản. Trong ngắn hạn, CTD chủ trương cung cấp vốn lưu động cho các sản phẩm Finance & Build, đầu tư vào các sản phẩm tài chính để tối ưu dòng tiền nhàn rỗi.

Còn đối với xây dựng Hòa Bình (HBC), Chủ tịch HĐQT, ông Lê Viết Hải luôn nhắc đi nhắc lại câu chuyện xuất khẩu xây dựng, mở rộng cung cấp dịch vụ xây dựng trên thị trường quốc tế. Những động thái liên tục trong thời gian gần đây đã cho thấy rõ hướng đi của ông lớn này trong bối cảnh ngành xây dựng trong nước gặp nhiều khó khăn, từ việc thâm nhập thị trường Mỹ bằng thỏa thuận hợp tác với Công ty Keystone (Mỹ) để xây dựng 5 dự án mà Keystone đầu tư phát triển tại California và Oregon... đến việc ký kết với Cubacons – tập đoàn xây dựng lớn nhất Cuba, tiến tới hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh và sản xuất vật liệu xây dựng.

Riêng với Hưng Thịnh Incons (HTN), doanh nghiệp này cũng đang quyết liệt tái cơ cấu cùng với chiến lược mới để tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, bên cạnh vai trò tổng thầu xây dựng, đại diện HTN cho biết đang nghiên cứu định hướng mở rộng đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.

Ông Trần Tiến Thanh, Tổng giám đốc công ty, cho biết: “Bên cạnh hoạt động tái cấu trúc quyết liệt, đảm bảo nguồn lực triển khai các dự án đang xây dựng, Hưng Thịnh Incons sẽ mở rộng phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền trong thời gian tới.

Đây là phân khúc có rất nhiều điểm sáng ở hiện tại bởi luôn có nhu cầu rất cao và nay đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ. Dựa trên thế mạnh về kinh nghiệm, năng lực thi công và quản trị của Hưng Thịnh Incons, cùng với điều kiện thị trường phù hợp, chúng tôi tin rằng đây là thời cơ để bứt phá, vượt qua thách thức và ổn định phát triển trong thời gian tới”.

Song song đó, công ty cũng đang tập trung nguồn lực để triển khai các dự án đang xây dựng và tăng cường việc cung cấp dịch vụ cho các công trình ngoài hệ thống Tập đoàn Hưng Thịnh. Hiện HTN đang triển khai hơn 20 dự án đa dạng loại hình tại nhiều tỉnh thành với giá trị backlog tại thời điểm ngày 31/12/2022 ghi nhận 27.000 tỷ đồng.

Hưng Thịnh Incons muốn phát triển nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền trong thời gian tới

Được biết, đối diện với thách thức chung ở hiện tại, Hưng Thịnh Incons đã thực hiện nhiều biện pháp tái cấu trúc mô hình hoạt động, siết chặt quản trị, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cũng như liên tục làm việc với các đối tác nước ngoài như AkzoNobel, KONE… để triển khai các giải pháp thông minh, vật liệu xây dựng mới trong các dự án.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy những rào cản như Covid-19, siết chặt tín dụng; hay những cú hích như công nghệ sản xuất mới, quá trình số hóa, công nghệ vật liệu mới… đã và đang làm cho toàn ngành xây dựng cũng như từng doanh nghiệp buộc phải thích ứng, “lột xác” và trở nên kiên cường, bền bỉ hơn. Trong đó, tái cấu trúc đóng một vai trò quyết định để các doanh nghiệp ứng biến linh hoạt với sự biến động của thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác