Tập đoàn Phúc Sơn muốn làm 2 khu đô thị hơn 200ha tại thành phố Vinh

An Chi - 23/04/2022 17:28 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn Phúc Sơn đã trình đề xuất đến UBND tỉnh Nghệ An về việc đầu tư khu đô thị Hưng Hoà 1 và 2 tại thành phố Vinh với tổng quy mô hơn 200ha.

VNF
Tập đoàn Phúc Sơn muốn làm 2 khu đô thị hơn 200ha tại thành phố Vinh. (Ảnh minh hoạ)

Tập đoàn Phúc Sơn đề xuất đầu tư 2 khu đô thị với tổng diện tích hơn 200ha

Gần đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện đầu tư dự án khu đô thị Hưng Hoà 1 và khu đô thị Hưng Hoà 2 tại xã Hưng Hoà, thành phố Vinh.

Cụ thể, theo đề xuất, dự án khu đô thị Hưng Hoà 1 có quy mô diện tích 121,1ha. Về phạm vi ranh giới, phía bắc dự án giáp khu đất quy hoạch khu công viên hồ điều hoà, phía nam giáp đường ven sông Lam, phía đông giáp khu dân cư xóm Phong Thuận 2 và phía tây giáp khu dân cư xóm Phong Đằng.

Trong khi đó, khu đô thị Hưng Hoà 2 có diện tích khoảng 82,46ha, phía bắc giáp đất mặt nước xã Nghi Thái, phía nam giáp đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài, phía đông giáp đường ven sông Lam, phía tây giáp khu dân cư xóm Phong Yên thuộc xã Hưng Hoà.

Tập đoàn Phúc Sơn cũng cam kết triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định nếu được lựa chọn làm nhà đầu tư 2 khu đô thị trên.

Được biết, về 2 dự án trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết, khu đô thị Hưng Hoà 1 trước đây đã được UBND tỉnh giao UBND thành phố Vinh tổ chức khảo sát lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở và dịch vụ thương mại tại Công văn số 7070/UBND-CN ngày 24/9/2021. Còn khu đô thị Hưng Hoà 2 thuộc một phần phạm vi đất dự án của Công ty THHH Hà Thanh đã được UBND tỉnh thu hồi theo nội dung Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 8/4/2020.

Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Vinh và các sở, ngành có liên quan, xem xét hồ sơ đề xuất đầu tư do nhà đầu tư cung cấp, đánh giá điều kiện thực hiện, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục theo quy định, đồng thời báo cáo UBND tỉnh để sớm đưa vào danh mục dự án có sử dụng đất, lựa chọn nhà thầu triển khai dự án nhằm đẩy mạnh phát triển khu phía đông nam thành phố Vinh.

Tập đoàn Phúc Sơn mạnh cỡ nào?

Về Tập đoàn Phúc Sơn, tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn được thành lập từ năm 2004. Ngày 4/8/2009, doanh nghiệp được đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng đô thị Phúc Sơn. Đến tháng 7/2010, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn và hoạt động dưới tên gọi này cho đến nay. Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, công ty này cũng đã trở thành một trong những ông lớn trong lĩnh vực xây dựng và kinh doɑnh bất động sản tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh phíɑ Bắc.

Những dự án đầu tay của Tập đoàn Phúc Sơn có thể kể đến như: dự án khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (Vĩnh Tường) với quy mô 130ha; dự án khu nhà ở cho người có thu nhập thấp 15 tầng (Vĩnh Yên); khu đô thị hai bên đường Phù Đổng (Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) với quy mô 149ha.

Ngoài ra, công ty còn là chủ đầu tư dự án khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Tập đoàn Phúc Sơn cũng từng gây sự chú ý bằng việc công bố dự án "siêu nghĩa trang" tại tỉnh Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư 70 triệu USD. Tuy nhiên, dự án này đã bị dừng vì nhiều lý do.

Ngoài bất động sản, Tập đoàn Phúc Sơn còn tham gia một số dự án lớn dưới cương vị nhà thầu xây dựng. Trong đó, dự án lớn nhất mà tập đoàn này từng thi công là dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư hơn 999 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, tính đến tháng 3/2022, Tập đoàn Phúc Sơn có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng. Theo số liệu mà VietnamFinance có được, kết quả của Tập đoàn Phúc Sơn có xu hướng giảm mạnh từ năm 2016-2019. Cụ thể, trong khi doanh thu thuần năm 2016 đạt 516,4 tỷ đồng thì các năm tiếp giảm lần lượt còn 468,3 tỷ đồng (năm 2017), 242,5 tỷ đồng (năm 2018) và 84,7 tỷ đồng (năm 2019).

Trong khi đó, lợi nhuận thuần của 2 năm 2016 và 2017 đang ở mức tương đối tốt với 3,7 tỷ đồng và 37,58 tỷ đồng. Tuy nhiên 2 năm sau đó, lợi nhuận thuần của Tập đoàn Phúc Sơn đã giảm mạnh xuống chỉ còn 214 triệu đồng (năm 2018) và 80 triệu đồng (năm 2019).

Trái ngược với kết quả kinh doanh, quy mô tài sản của Tập đoàn Phúc Sơn có phần ấn tượng hơn khi tăng khá mạnh ở giai đoạn này. Ghi nhận đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này đã đạt 7.822 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với thời điểm cuối năm 2016. 

Mặc dù vậy, dữ liệu lại cho thấy tập đoàn này có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Bởi nợ phải trả của Tập đoàn Phúc Sơn ở thời điểm cuối năm 2019 đã là 5.820 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.

Tai tiếng của Tập đoàn Phúc Sơn

Tháng 6/2021, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 3 dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn làm nhà đầu tư. 3 dự án BT gồm: dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; dự án nút giao Ngọc Hội; dự án đường vành đai kết nối nút giao thông Ngọc Hội… với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Phúc Sơn đã thực hiện không đầy đủ các cam kết theo nội dung tờ trình số 4148/TTr-UBND ngày 14/6/2016 của UBND tỉnh để được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

Cụ thể, không hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào khoảng cuối năm 2017, mặc dù đã gia hạn đến tháng 6/2021 nhưng thực tế đến thời điểm thanh tra mới thi công đạt hoảng 27% khối lượng xây lắp (tương đương 558 tỷ đồng xây lắp và 394,407 tỷ đồng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng); không thực hiện đúng tiêu chí công trình cấp bách để thực hiện được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi, tổng mức đầu tư, ký hợp đồng BT không phù hợp với tờ trình cáo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 1175/Ttg-KTN làm tăng tổng mức đầu tư lên 484 tỷ đồng, kéo dài thời gian thực hiện dự án lên thêm 30 tháng,…

Bên cạnh đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, ký hợp đồng BT còn có một số sai sót trong áp dụng định mức, đơn giá, biên pháp thi công… làm tăng tổng mức đầu tư 3 dự án BT lên 499,202 tỷ đồng.

Ngoài ra, phương án hoàn vốn nêu trong hợp đồng BT không phù hợp với đề xuất của UBND tỉnh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đàm phán và ký kết hợp đồng 3 dự án BT có giá trị hợp đồng BT cao hơn giá trị dự án BT được tỉnh phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư là 73,49 tỷ đồng (tổng 3 hợp đồng BT) là vi phạm về nguyên tắc xét duyệt trúng thầu.

Cùng với đó là công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán còn nhiều hạn chế, tồn tại, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu, còn để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thi công ảnh hưởng đến dự án, một số nội dung phê duyệt chưa phù hợp với thiết kế cơ sở, giải pháp xử lý nên đường đất yếu không phù hợp ảnh hưởng đến chất lượng công trình…

Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm để xảy ra những vi phạm nêu trên của 3 dự án BT thuộc về nhà đầu tư – Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác