Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Mỹ bắt nhà nghiên cứu Trung Quốc, EU xem xét hành động pháp lý với Síp

(VNF) - Mỹ bắt giữ nhà nghiên cứu Trung Quốc với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, EU xem xét hành động pháp lý với Síp vụ “hộ chiếu vàng”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xin từ chức… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Mỹ bắt nhà nghiên cứu Trung Quốc, EU xem xét hành động pháp lý với Síp

EU xem xét hành động pháp lý với Síp vụ “hộ chiếu vàng”

EU xem xét hành động pháp lý với Síp vụ “hộ chiếu vàng”

Một quan chức tư pháp EU cho biết khối này đang xem xét khả năng tiến hành hành động pháp lý với Síp sau khi hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) ngày 24/8 công bố loạt bài điều tra về chính sách mà họ gọi là "mua bán hộ chiếu châu Âu" của Cộng hòa Síp từ năm 2017 đến năm 2019.

Al Jazeera cho biết để nhận "hộ chiếu vàng" của Síp theo chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP), các cá nhân cần có khoản đầu tư tối thiểu 2 triệu euro (khoảng 2,2 triệu USD) vào bất động sản hoặc vào một công ty có trụ sở tại Síp.

Theo Al Jareeza, trong khoảng thời gian từ 2017-2019, có hơn 1.400 cá nhân đã bỏ ra số tiền lớn để mua thứ gọi là “hộ chiếu vàng” này. Được biết, chương trình này đã giúp Síp thu về khoảng 7 tỷ euro, tương đương 7,8 tỷ USD.

Điều tra của Al Jazeera cũng cho thấy chương trình đầu tư nhận quốc tịch của Síp có sơ hở đối với rửa tiền và tham nhũng.

Trong số hơn 1.400 cá nhân mua hộ chiếu vàng của Síp có khoảng 30 cá nhân đang bị khởi tố và 40 nhân vật giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ một số quốc gia.

Vị quan chức EU cho biết Síp phải chịu phần lớn trách nhiệm trong vấn đề này và đây không phải lần đầu tiên EU tiếp nhận những thông tin bê bối liên quan chương trình CIP của Síp.

Mỹ trừng phạt viện nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 của Nga

Ngày 26/8, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 5 viện nghiên cứu của Nga vào danh sách đen với cáo buộc các viện này tham gia phát triển vũ khí hóa học và sinh học.

Trong danh sách này có Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương 48 thuộc Bộ Quốc phòng Nga, cơ sở nghiên cứu tham gia vào quá trình phát triển vaccine Sputnik-V vừa được công bố mới đây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Việc bị đưa vào danh sách trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ đồng nghĩa với việc các nhà chức trách Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa theo các quy định hiện hành đối với các cá nhân và tổ chức bị cho là có nguy cơ gây ra các mối đe dọa cho an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ ra rằng Washington đã không đưa ra được bằng chứng nào về những cáo buộc của mình, trong khi Nga đã ngừng phát triển vũ khí hóa học và sinh học từ năm 1992 và hoàn tất việc tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa sinh vào năm 2017.

Bà Maria Zakharova cho biết Moscow phẫn nộ trước thực tế là chính các nhà khoa học và chuyên gia đã làm việc không mệt mỏi để phát triển một loại vaccine của Nga chống lại Covid-19 trong nhiều tháng qua đã phải chịu các lệnh trừng phạt.

Thượng nghị sĩ Nga Oleg Morozov thì cho rằng quyết định của Washington là một thất bại trong việc phát triển một loại thuốc ngừa Covid-19. Theo ý kiến của ông, Mỹ muốn đóng cửa các thị trường phương Tây đối với vaccine của Nga, nhưng nó sẽ có nhu cầu trong mọi trường hợp.

Mỹ cấm vận 24 công ty Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông

Chính phủ Mỹ ngày 26/8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, kể từ năm 2013, Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để bồi đắp hơn 1.200 hecta tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường.

Các công ty mới được đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ đều là những nhà thầu lớn trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trong đó có 2 cái tên nổi bật là Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) và Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc.

Lệnh trừng phạt thương mại cấm các công ty Mỹ xuất khẩu các sản phẩm tới các công ty Trung Quốc bị trừng phạt mà chưa có giấy phép của chính phủ Mỹ. Được biết, danh sách đen thương mại của Mỹ hiện đã bao gồm hơn 300 thực thể Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xin từ chức

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 28/8 đã chính thức thông báo từ chức vì không muốn tình trạng sức khỏe của mình ảnh hưởng đến công việc của chính phủ.

"Tôi không thể làm thủ tướng nếu tôi không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân. Tôi quyết định từ chức", ông Abe tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 28/8.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Nhà lãnh đạo Nhật đề cập tới việc mình bị bệnh viêm đại tràng và cho biết sức khoẻ của ông bắt đầu suy giảm từ khoảng giữa tháng trước. Theo ông, việc điều trị bệnh đại tràng sẽ khiến ông không có đủ thời gian để lãnh đạo đất nước.

Vị thủ tướng cho biết thêm ông không phải là người ra quyết định về việc chọn ai là người kế nhiệm.

Ông Abe đã lập kỷ lục là thủ tướng có thời gian làm việc không gián đoạn dài nhất lịch sử Nhật Bản. Nếu gộp cả giai đoạn lãnh đạo từ năm 2006-2007, ông Abe là người giữ chức thủ tướng lâu nhất lịch sử Nhật Bản với hơn 3.000 ngày.

Mỹ bắt giữ nhà nghiên cứu Trung Quốc

Trong một thông cáo báo chí đưa ra ngày 28/8, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, giới chức nước này vừa bắt giữ công dân Trung Quốc Hồ Hải Châu (Haizhou Hu), nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia với cáo buộc xâm nhập máy tính và đánh cắp bí mật thương mại vượt thẩm quyền cho phép.

Vụ bắt giữ diễn ra hôm 25/8 vừa qua tại Sân bay Quốc tế O'Hare của Chicago sau khi các nhà điều tra tiến hành rà soát và phát hiện công dân Trung Quốc sở hữu mã phần mềm mô phỏng nghiên cứu trong khi ông ta không được phép sở hữu chúng. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của các thành viên trong cộng đồng học thuật tại Đại học Virginia.

Hiện vụ việc đang được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiếp tục điều tra.

Mỹ hồi tháng trước bắt nhà khoa học Trung Quốc Tang Juan, 37 tuổi, làm việc tại Đại học California-Davis, bang California.

Theo hồ sơ được FBI trình lên tòa án tại San Francisco hôm 20/7, Tang đã che giấu vai trò trong quân đội Trung Quốc khi nộp đơn xin thị thực hồi tháng 10 năm ngoái để tới làm việc tại đại học California và tiếp tục khai man với FBI vài tháng sau.

Tang cũng được cho là ẩn náu trong Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco trong vài tuần trước khi bị bắt.

Tổng thống Trump chính thức tiếp nhận đề cử của đảng Cộng hòa

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/8 đã chính thức tiếp nhận đề cử của đảng Cộng hòa cho vị trí ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.

Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng liên danh tranh cử là Phó tổng thống Mike Pence sẽ cạnh tranh với liên danh tranh cử của đảng Dân chủ là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và bà Kamala Harris, Thượng nghị sĩ đại diện bang California.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong bài phát biểu kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, ông Trump đã đưa ra nhiều luận điểm nhằm công kích đối thủ Joe Biden và cho rằng cuộc bầu cử sắp tới là cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Cũng trong bài phát biểu, ông Trump cam kết sẽ đưa việc làm từ Trung Quốc trở lại Mỹ và khẳng định nếu tái đắc cử, chính quyền của ông sẽ áp thuế với bất kỳ công ty nào rời khỏi Mỹ để đến các quốc gia khác, cuốn theo cả cơ hội việc làm của người lao động Mỹ.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cam kết Mỹ sẽ có vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả vào cuối năm nay.

Tổng thống Trump cho biết, trong nhiệm kỳ tới, ông "sẵn sàng thách thức Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại" một lĩnh vực mà ông cho là phe Dân chủ sẽ không thể "cứng rắn" bằng.

Xem thêm >> Vừa phóng tên lửa đạn đạo, Trung Quốc dọa ‘tai nạn quân sự’ với tàu Mỹ ở Biển Đông

Tin mới lên