Tài chính quốc tế

Thế giới tuần qua: Nga đăng ký vaccine ngừa Covid-19, Mỹ - Trung hoãn đánh giá thỏa thuận thương mại

(VNF) - Nga trở thành nước đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa Covid-19, Mỹ-Trung hoãn thảo luận trực tuyến về thỏa thuận thương mại, New Zealand phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sau 102 ngày vắng bóng, Triều Tiên thay thủ tướng… là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Thế giới tuần qua: Nga đăng ký vaccine ngừa Covid-19, Mỹ - Trung hoãn đánh giá thỏa thuận thương mại

Tổng thống Vladimir Putin ngày 11/8 tuyên bố Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa Covid-19.

Nga đăng ký vaccine ngừa Covid-19

Tổng thống Vladimir Putin ngày 11/8 tuyên bố Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới đăng ký một loại vaccine ngừa Covid-19, có tên Sputnik-V.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định loại vaccine này hoạt động khá hiệu quả, hình thành hệ miễn dịch ổn định, và đã vượt qua mọi khâu kiểm định.

Theo thông cáo của Bộ Y tế Nga, với phác đồ tiêm 2 lần, vaccine Sputnik V cho phép phòng ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong 2 năm.

Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ngày 12/8 cho biết Nga đã nhận được đơn đặt hàng 1 tỷ liều vaccine Sputnik V từ 20 quốc gia, phần lớn là từ các nước Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á.

Nga cũng đã đàm phán về việc sản xuất vaccine tại 5 nước với khả năng sản xuất 500 triệu liều mỗi năm, trong đó có Philippines, Brazil và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 12/8 cho biết vaccine Sputnik-V đã bắt đầu đưa vào sản xuất đại trà tại nhà máy dược phẩm Binnopharm của tập đoàn AFK Sistema. Dự kiến sẽ có khoảng 599 triệu liều vaccine được sản xuất trong 12 tháng đầu tiên.

Cũng theo ông Murashko, tất cả người dân Nga sẽ được tiêm miễn phí vaccine này một cách tự nguyện.

Mỹ-Trung hoãn thảo luận trực tuyến về thỏa thuận thương mại

Cuộc thảo luận trực tuyến về thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào ngày 15/8 đã bị trì hoãn và hai bên vẫn chưa thống nhất về thời điểm tổ chức cuộc thảo luận này.

Trước đó, hai bên dự kiến sẽ tiến hành cuộc thảo luận trực tuyến giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để đánh giá về việc thực hiện Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1.

Đây là hoạt động nằm trong quy định của thỏa thuận và được lên lịch vào đúng ngày đánh dấu 6 tháng thỏa thuận có hiệu lực. Tuy nhiên, hiện chưa rõ lý do khiến hoạt động này bị hoãn. Lần gần đây nhất hai bên trao đổi về thỏa thuận giai đoạn 1 là trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng 5.

Thỏa thuận này được hai bên ký hồi tháng 1 sau nhiều tháng căng thẳng trong quan hệ thương mại, trong đó quy định Bắc Kinh phải nhập khẩu thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm, từ xe ô tô, máy móc, dầu đến các mặt hàng nông sản.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động giao thương bị đình trệ và trong một tuyên bố cách đây vài tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát đi tín hiệu cứng rắn về số phận của thỏa thuận giai đoạn 1 cũng như khả năng hai bên có thể đạt được thỏa thuận giai đoạn 2.

Triều Tiên thay thủ tướng, gỡ phong tỏa ở Kaesong

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 14/8 công bố ông Kim Tok Hun sẽ đảm nhiệm cương vị thủ tướng thay cho ông Kim Jae Ryong, người chỉ mới được bổ nhiệm một năm trước.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang đối mặt với nạn lũ lụt và nền kinh tế quốc gia này dường như đang gặp nhiều thách thức vì lũ lụt và Covid-19.

Theo Bloomberg, vị trí thủ tướng tại Triều Tiên được xem là người chịu trách nhiệm về quản lý kinh tế. Vì vậy, giới quan sát cho rằng việc Chủ tịch Kim bãi nhiệm ông Kim Jae Ryong có thể vì tình hình kinh tế khó khăn của Triều Tiên trong thời gian qua. Người được bổ nhiệm vào vị trí thủ tướng thay ông Kim Jae Ryong là ông Kim Tok Hun, người đứng đầu Ủy ban ngân sách Quốc hội Triều Tiên.

Thủ tướng Triều Tiên Kim Tok Hun.

Hãng tin KCNA dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu tại cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên, cho biết lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng Triều Tiên sẽ không tiếp nhận hỗ trợ từ nước ngoài vì lo ngại nguy cơ dịch bệnh Covid-19.

Cho tới nay, Triều Tiên vẫn khẳng định không có ca bệnh Covid-19 nào. Tháng trước Bình Nhưỡng áp đặt lệnh phong tỏa tại thành phố biên giới Kaesong sau khi phát hiện một người từng đào tẩu từ Triều Tiên sang Hàn Quốc nay quay trở lại và đã nhiễm corona.

Ông Kim Jong Un quyết định gỡ bỏ phong tỏa tại thành phố Kaesong dựa trên các căn cứ khoa học. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng nói đã ra lệnh triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng lũ lụt.

Nhiều địa phương Trung Quốc phát hiện SARS-CoV-2 trên thực phẩm đông lạnh nhập khẩu

Ủy ban Y tế thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) ngày 13/8 cho biết, trong quá trình kiểm tra thực phẩm định kỳ ở quận Long Cương ngày 12/8, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bề mặt cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil.

Các cơ quan y tế thành phố đã ngay lập tức truy tìm và xét nghiệm tất cả những người có khả năng tiếp xúc với mặt hàng này. Tất cả đều cho kết quả âm tính.

Tất cả sản phẩm cùng loại đã bán ra thị trường đều bị thu hồi và xử lý. Bao bì bên ngoài và môi trường nơi bảo quản mặt hàng này đã được khử trùng diệt khuẩn.

Nhiều địa phương Trung Quốc phát hiện SARS-CoV-2 trên thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Trước đó, giới chức y tế thành phố Yên Đài (tỉnh Sơn Đông) hôm 11/8 xác nhận tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên bao bì đóng gói hải sản đông lạnh thuộc lô hàng nhập khẩu từng cập cảng thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Sau đó 1 ngày, thành phố Vu Hồ (tỉnh An Huy) cũng thông báo phát hiện thấy SARS-CoV-2 trên bao bì tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador tại một cửa hàng ăn uống tại đây. Toàn bộ nhân viên nhà hàng, thực phẩm và môi trường ở đây đã phải lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả ban đầu là âm tính.

Trước lo ngại về việc những chuyến hàng nhiễm khuẩn có thể tạo ra các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy con người có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 từ bề mặt hoặc bao bì thực phẩm.

New Zealand có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sau 102 ngày vắng bóng

New Zealand ngày 11/8 đã phát hiện 4 thành viên trong một gia đình ở thành phố Auckland bị mắc Covid-19 sau 102 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Cả 4 người này không có tiền sử ra nước ngoài gần đây.

Tới ngày 13/8, giới chức New Zealand thông báo cụm dịch này đã tăng lên 17 ca nhiễm.

Khả năng virus đi vào New Zealand thông qua các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu đang được điều tra, vì một trong 4 thành viên của gia đình trên đã tiếp xúc các hàng nhập khẩu như vậy tại nơi làm việc.

Công ty bảo quản lạnh Americold.

Giới chức New Zealand đã xét nghiệm tất cả nhân viên công ty bảo quản lạnh Americold, nơi một số người nhiễm làm việc. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy tổng cộng 7 nhân viên ở đây nhiễm Covid-19. Các nhà khoa học cũng đang xét nghiệm các mẫu bề mặt tại hai cơ sở của công ty.

Nếu New Zealand kết luận virus được "nhập khẩu" qua hàng hóa, điều này có thể gây tác động lớn đối với thương mại toàn cầu. Giới chức có thể yêu cầu tăng cường khử khuẩn kho hàng và kéo dài thời gian chờ giữa chuyển và giao hàng, đồng thời giám sát chặt chẽ hơn các tàu và bến cảng.

Xem thêm >> Mỹ tiếp tục đẩy căng thẳng với Trung Quốc lên cao trào

Tin mới lên