Tài chính quốc tế

Thiếu hụt năng lượng, Đức tái khởi động nhà máy điện than đầu tiên

(VNF) - Từng đặt mục tiêu đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng than đá vào năm 2030, Đức mới đây đã cấp phép hoạt động khẩn cấp cho nhà máy điện than Mehrum nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong bối cảnh mùa đông sắp tới.

Thiếu hụt năng lượng, Đức tái khởi động nhà máy điện than đầu tiên

Nhà máy điện than Mehrum.

Giám đốc điều hành nhà máy Mehrum, ông Armin Fieber, cho biết nhà máy có công suất khoảng 270 megawatt và đã hoạt động lại từ ngày 31/7.

Dù thừa nhận đây là đón giáng mạnh vào nỗ lực đối phó khủng hoảng khí hậu của nước này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng đây là hành động cần thiết trong bối cảnh hiện thại.

Đức là nước công nghiệp phát triển duy nhất loại bỏ dần than đá và năng lượng hạt nhân. Hồi cuối năm 2021, các đảng trong liên minh Chính phủ Đức đã đạt được nhất trí về việc đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện chạy bằng than đá vào năm 2030.

Tuy nhiên, bất chấp những mục tiêu về năng lượng xanh, Đức và một số nước láng giềng châu Âu đang khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than để tiết kiệm khí đốt. Đây là một động thái tạm thời nhưng cần thiết khi toàn khu vực đang trải qua giai đoạn thời tiết khắc nghiệt chưa từng có trong bối cảnh Nga cắt giảm mạnh nguồn cung khí đốt.

Được biết, Đức gần đây bật đèn xanh cho 16 nhà máy nhiệt điện than, vốn đã ngừng hoạt động được khởi động lại trong thời gian tới.

Thời gian gần đây, dư luận tại Đức cũng đang tranh cãi về việc liệu có nên chấm dứt sản xuất điện hạt nhân vào cuối năm 2022 theo đúng kế hoạch hay không, do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng khí đốt.

Đức có ba nhà máy điện hạt nhân còn đang hoạt động, nhưng sẽ bị đóng cửa vào cuối năm nay theo kế hoạch mà nhà chức trách nước này đã thông qua để ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima.

Ở động thái liên quan, công ty dịch vụ công ở Munich, Đức mới đây cũng đã khởi động lại hai nhà máy điện chạy bằng dầu nhằm tiết kiệm khí đốt tự nhiên.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức(DIHK), 16% doanh nghiệp Đức cho biết họ phải giảm bớt hoạt động để thích nghi với “khủng hoảng năng lượng”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng không loại trừ khả năng Nga ngưng cung cấp khí đốt cho châu Âu trong thời gian sắp tới và trong trường hợp đó, GDP của Đức sẽ lại càng sụt giảm mạnh hơn nữa.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã liên tục đưa ra lời khuyên tới người tiêu dùng Đức liên quan tới việc thay đổi thói quen hàng ngày, trong nỗ lực cùng đất nước đạt mục tiêu tiết kiệm 20% năng lượng.

Xem thêm >> Đại học Yale: ‘Nền kinh tế Nga đã bị tê liệt hoàn toàn ở mọi cấp độ’

Tin mới lên