Thủ tướng yêu cầu trình dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trong tháng 5

Chí Bình - 12/05/2023 10:32 (GMT+7)

(VNF) - Theo phê duyệt năm 2008, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng mức đầu tư 19.555 tỷ đồng. Đến tháng 10 năm ngoái, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm hơn 16.000 tỷ đồng, lên 35.679 tỷ đồng.

VNF
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Kiểm điểm việc chậm đấu thầu nhà ga sân bay Long Thành

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo đối với nhóm chưa duyệt dự án đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương (TP. Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bình Phước…) khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án đã được giao là cơ quan có thẩm quyền, chủ quản thực hiện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải được giao phối hợp với các địa phương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ các dự án đường cao tốc theo phương thức PPP; thẩm định dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2023.

Đối với nhóm đã duyệt dự án (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP. HCM), Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm bàn giao 70% diện tích mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục theo quy định để khởi công trước ngày 30/6/2023.

Đối với nhóm đang thi công như các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cần tập trung giải quyết các vướng mắc về vấn đề khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải, đây là điểm nghẽn trong triển khai các dự án hiện nay.

Các dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ Giao thông Vận tải phải quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu thi công "3 ca, 4 kíp", tăng cường thiết bị, nhân lực để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh, môi trường.

Về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ACV và các cơ quan thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về tình hình triển khai thực hiện dự án; trong tháng 5/2023, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ lựa chọn nhà thầu thi công gói thầu 5.10 làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu của Quốc hội.

Khởi công 2 đường Vành đai trước ngày 30/6

Thủ tướng phân công Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu và đơn vị liên quan triển khai thi công quyết liệt ngay từ giai đoạn đầu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp và hướng dẫn các địa phương triển khai các công việc để khởi công 3 cao tốc trục Đông - Tây và 2 đường Vành đai trước ngày 30/6/2023.

Bộ Giao thông Vận tải cũng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương đầu tư mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành bảo đảm tiến độ hoàn thành đồng thời với dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao; xem xét đề xuất, bổ sung, thực hiện thủ tục giao vốn cho các dự án đường bộ cao tốc; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương nghiên cứu, đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi quy định pháp luật về cơ chế vay vốn ODA, theo hướng trung ương vay để tập trung đầu mối, rút ngắn thủ tục, thời gian, tận dùng nguồn vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ…

Bộ Xây dựng sớm có ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho các dự án thành phần thuộc dự án vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước ngày 12/5/2023; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong việc kiểm tra các điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa 3 dự án thành phần cao tốc vào sử dụng; kiểm tra, giám sát, đôn đốc các địa phương trong công tác công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương, chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ; khẩn trương thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường các dự án thành phần Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội trước ngày 12/5/2023; kịp thời hướng dẫn chi tiết các địa phương thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng và bãi đổ thải, bảo đảm tính khả thi và hiểu đúng khi triển khai thực hiện; hướng dẫn các địa phương việc đền bù, hỗ trợ các khu đất, công trình bị ảnh hưởng nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng trong tháng 5/2023.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV tổ chức đấu thầu thành công, lựa chọn nhà thầu phải đáp ứng năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu 5.10 cảng hàng không quốc tế Long Thành, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; chỉ đạo VEC đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công trở lại dự án Bến Lức - Long Thành, triển khai dự án mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành.

Năm 2008, theo phê duyệt dự án của UBND TP. Hà Nội, tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng chiều dài tuyến 11,5km. Trong đó, 8,5km đường đi ngầm, 3km đi cao. Tổng mức đầu tư dự án là 19.555 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 16.485 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sáchH TP. Hà Nội là 3.079 tỷ đồng.

Đến tháng 10 năm ngoái, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đề xuất điều chỉnh đoạn tuyến đi ngầm thành 8,9km và đoạn tuyến trên cao thành 2,6km. Tổng mức đầu tư dự án được đề xuất điều chỉnh tăng lên 35.679 tỷ đồng, tăng 16.124 tỷ đồng so với quyết định được phê duyệt.

Cùng chuyên mục
Tin khác