Thương hiệu toàn cầu 2023: Apple 'thua' Amazon, Trung Quốc và Mỹ 'bao trọn' top 20
Quỳnh Anh -
21/12/2023 08:46 (GMT+7)
(VNF) - Công ty phân tích tài chính Mỹ Trading Pedia mới đây đã công bố danh sách những thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu trong năm 2023, trong đó dẫn đầu là thương hiệu Amazon tới từ Mỹ.
Ngày 20/12, TradingPedia đã công bố bản đồ những thương hiệu toàn cầu có giá trị nhất thế giới trong năm 2023.
Theo đó, nhóm nghiên cứu tại TradingPedia đã quyết định xem xét các công ty lớn nhất tại các thị trường hàng đầu, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Đức và vương quốc Anh, sau đó xác định được những thương hiệu lớn nhất ở tổng số 45 quốc gia xét về mặt giá trị và tạo ra một bản đồ trực quan hóa các thương hiệu hàng đầu toàn cầu vào năm 2023.
Trong một diễn biến liên quan, TradingPedia cho biết Viettel là thương hiệu Việt Nam duy nhất lọt top 500 thương hiệu toàn cầu, với giá trị khoảng 8,9 tỷ USD.
Những thương hiệu lớn nhất thế giới năm 2023
Theo TradingPedia, mặc dù đã giảm 51 tỷ USD giá trị so với năm 2022, Amazon là thương hiệu lớn nhất thế giới năm 2023 với giá trị ước tính là 299,28 tỷ USD.
Công ty nắm giữ vị trí top 1 năm ngoái là Apple hiện đã tụt xuống vị trí thứ 2 do đã mất 16% giá trị, với giá trị hiện tại là 297,51 tỷ USD.
Đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng toàn cầu là một gã khổng lồ công nghệ khác đến từ Mỹ chính là Google, công ty đã tăng giá trị gần 18 tỷ USD giá trị kể từ năm 2022 lên 281,38 tỷ USD.
Trong số 10 thương hiệu toàn cầu giá trị nhất, có tới 7 cái tên đến từ Mỹ, với Microsoft (xếp thứ 4, giá trị 191,5 tỷ USD), Walmart (xếp thứ 5, giá trị 113,7 tỷ USD), Verizon (xếp thứ 8, giá trị 67,4 tỷ USD) và Tesla (xếp thứ 9, giá trị 66,2 tỷ USD).
Thương hiệu không phải của Mỹ có giá trị nhất thế giới là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, đứng ở vị trí thứ 6, với giá trị ước tính là 99,66 tỷ USD vào năm 2023. Gã khổng lồ điện tử đã mất 7,62 tỷ USD giá trị kể từ năm 2022 nhưng vẫn duy trì được vị thế vững chắc.
Các vị trí còn lại trong top 10 tới từ 2 thương hiệu Trung Quốc, bao gồm ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở vị trí thứ 7 với giá trị khoảng 69,5 tỷ USD và công ty truyền thông xã hội ByteDance sở hữu TikTok/Douyin ở vị trí thứ 10, giá trị 65,7 tỷ USD.
Deutsche Telekom của Đức đứng thứ 11 trên thế giới và số 1 ở châu Âu về giá trị thương hiệu (62,63 tỷ USD) và nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đứng thứ 19 trên toàn cầu với giá trị 52,49 tỷ USD.
Đáng chú ý, thương hiệu Facebook của công ty Meta năm nay đã tụt xuống vị trí thứ 14, khi giá trị thương hiệu giảm 41% xuống còn chưa đầy 59 tỷ USD.
Trung Quốc, Mỹ là những quốc gia sở hữu nhiều thương hiệu hàng đầu nhất
Theo TradingPedia, chỉ có 30 quốc gia có thương hiệu lọt vào danh sách top 500 toàn cầu. Có sự tập trung đặc biệt cao ở Trung Quốc và Mỹ, với 202/500 thương hiệu hàng đầu ở Mỹ và 79 ở Trung Quốc.
Trong số 100 thương hiệu lớn nhất, hơn một nửa (chính xác là 53) tới từ Mỹ và 22 thương hiệu của Trung Quốc, theo sau là 14 thương hiệu từ châu Âu.
Sự thống trị của thương hiệu Mỹ cũng có thể được nhìn thấy trong danh sách top 20, trong đó 10 thương hiệu là của Mỹ, trong khi 6 thương hiệu là của Trung Quốc.
Các quốc gia có đại diện ở Bắc Mỹ là Mỹ, Canada và Mexico; Nam Mỹ được đại diện bởi Brazil, ở phía Bắc; Trung Đông có Arab Saudi, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; Châu Á được đại diện bởi Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Thái Lan và Châu Đại Dương bởi Úc.
Có 14 quốc gia châu Âu lọt vào danh sách 500 thương hiệu hàng đầu: Đức, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy, Nga, Thụy Sĩ, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Áo và Bỉ. Tuy nhiên, đáng tiếc là không có quốc gia châu Phi nào có thương hiệu nằm trong top 500.
Ngân hàng là ngành có nhiều thương hiệu lớn nhất
Nghiên cứu của TradingPedia cũng cho thấy ngành ngân hàng thống trị thế giới với những thương hiệu hàng đầu toàn cầu nếu xét về số lượng thương hiệu trong từng lĩnh vực.
Khoảng 14,2% tổng số thương hiệu trong top 500 là các công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng, trong khi 10% thuộc lĩnh vực bán lẻ.
Công nghệ, kỹ thuật và xây dựng cũng như viễn thông đều là những ngành công nghiệp lớn. Tuy nhiên, xét về giá trị, công nghệ và bán lẻ đứng đầu, trong đó các thương hiệu công nghệ chiếm khoảng 13,4% tổng giá trị của 500 công ty hàng đầu và các thương hiệu bán lẻ mang lại 13,2% giá trị.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.