Tổng thống Putin tin Nga và Ukraine có thể trở thành đồng minh

Thành Đạt - 10/07/2019 11:17 (GMT+7)

Tổng thống Vladimir Putin vẫn tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Ukraine trong tương lai, thậm chí hai nước có thể trở thành đồng minh.

VNF
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass)

Trong bộ phim tài liệu mang tên Revealing Ukraine được chiếu tại liên hoan phim Taormina ngày 6/7, nhà làm phim người Mỹ Oliver Stone đã có cuộc phỏng vấn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Khi được hỏi về triển vọng mối quan hệ giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Putin mô tả mối quan hệ hiện tại giữa hai nước là “khó khăn”, phần lớn do hệ quả của cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine hồi năm 2014 và chiến dịch tuyên truyền của “các nhà chức trách đương thời của Ukraine, những người đổ lỗi cho Nga về tất cả các bi kịch xảy ra sau đó”.

Tuy nhiên, ông Putin tin tưởng rằng mối quan hệ thân thiện giữa Nga và Ukraine chắc chắn sẽ quay trở lại. Nhà lãnh đạo Nga thậm chí cho rằng hai nước có thể trở thành “đồng minh”.

“Tôi nghĩ đó là điều chắc chắn xảy ra. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc xây dựng các mối quan hệ hữu nghị bình thường, thậm chí tôi có thể nói là trên mức hữu nghị, như mối quan hệ đồng minh, là điều chắc chắn xảy ra. Và cuối cùng, chúng ta sẽ đạt đến mức như tôi đề cập ở trên. Việc trở nên gần gũi hơn là điều không thể tránh khỏi”, ông Putin trả lời phỏng vấn.

Quan hệ Nga - Mỹ

Đề cập tới quan hệ Nga - Mỹ, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định Moscow chưa bao giờ tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Washington.

“Trước đây tôi chưa từng can thiệp, hiện tại tôi không can thiệp và trong tương lai tôi cũng sẽ không can thiệp.

Theo Tổng thống Putin, các blogger Nga không thể tác động tới cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, dù cho quan điểm họ thể hiện trên mạng như thế nào.

“Dù cho các blogger Nga viết gì, tôi không biết họ làm gì trên mạng, dù cho họ bày tỏ quan điểm như thế nào về tình hình tại Mỹ, điều đó cũng không thể đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định. Điều đó là vô nghĩa”, ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016 vì ông hiểu rõ hơn tâm lý và kỳ vọng của các cử tri.

“Mỹ là một đất nước rộng lớn với dân số đông. Họ cũng có những vấn đề của riêng họ và biết điều gì là tốt, điều gì là xấu. Họ nhận ra rằng, trong những năm qua, có thể là một thập niên, tài sản của tầng lớp cầm quyền và giới giàu có tăng lên nhanh chóng, trong khi tầng lớp trung lưu không có gì khá khẩm hơn. Những người tổ chức chiến dịch tranh cử của ông Trump và bản thân ông Trump hiểu điều đó. Và ông ấy đã tận dụng điều đó”, ông Putin nhận định.

Toàn cầu hóa

Phát biểu trước các sinh viên tại Đại học Liên bang Ural ngày 9/7, Tổng thống Putin cho rằng nỗ lực của các cường quốc kinh tế nhằm cạnh tranh với các đối thủ thông qua “việc gây sức ép với họ” là con đường không lối thoát.

“Tình hình hiện nay đã thay đổi, các lãnh đạo toàn cầu mới đã nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ. Những nước từng cảm thấy mình là nước độc quyền gần đây trở nên lo lắng và bắt đầu “gây sức ép” nhằm cản trở sự phát triển của các đối thủ, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, và biến họ trở nên cạnh tranh hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên đây là con đường không dẫn tới đâu, không mang lại kết quả nào”, ông Putin cho biết.

Theo Tổng thống Nga, những nước khác nhau tại châu Á và châu Âu tận dụng toàn cầu hóa theo cách khác nhau. Ông Putin lấy ví dụ trường hợp của Trung Quốc, nước tận dụng toàn cầu hóa để “đưa hàng triệu người thoát khỏi nghèo đói”. Trong khi đó, các nước phương Tây, cả ở châu Âu và ở Mỹ, chỉ có các công ty đa quốc gia và các đối tác của họ mới tận dụng toàn cầu hóa.

Tại Nga, ông Putin cho rằng cần thiết phải tính tới yếu tố phát triển công nghệ và xem xét đến trường hợp của những người bị mất việc làm do công nghệ. Theo nhà lãnh đạo Nga, cần áp dụng các biện pháp để ứng phó với vấn đề trên như đào tạo lại, sử dụng nguồn lực và nâng cao năng suất lao động.

Khả năng trừng phạt Gruzia

Tổng thống Putin hôm qua đã lên tiếng về vụ Giorgi Gabunia, một nhà báo và là người dẫn chương trình Gruizia, ngày 7/7 đã có những lời lẽ xúc phạm nhà lãnh đạo Nga và mẹ ông trong một đoạn thông điệp bằng tiếng Nga gửi đến ông Putin.

“Về việc áp lệnh trừng phạt Gruzia, tôi sẽ không làm vậy vì tôn trọng người dân Gruzia. Vì lợi ích của họ và vì lợi ích của việc khôi phục mối quan hệ giữa Nga và Gruzia, tôi sẽ không làm bất kỳ điều gì để phức tạp hóa mối quan hệ này. Mặc dù không ai biết đến anh ta trước đó, nhưng bây giờ mọi người đều đang nhắc đến anh ta, vì thế anh ta đã đạt được mục tiêu của mình. Anh ta đã bị đình chỉ công tác trong 2 tháng, anh ta có thể nghỉ phép và quay trở lại làm việc sau đó. Tuy nhiên, đã có những người ở Gruzia phản đối anh ta”, ông Putin nói.

Trước đó, nhiều người dân và hàng loạt quan chức cấp cao của Gruzia, gồm tổng thống, thủ tướng, chủ tịch quốc hội, đã đồng loạt lên án phát ngôn của người dẫn chương trình Giorgi Gabunia. Điện Kremlin chỉ trích những phát ngôn của Gabunia là "hoàn toàn không chấp nhận được".

“Tại Gruzia hiện nay, các phong trào chống Nga đang bị kích động bởi những người không hiểu biết gì hoặc biết nhưng cố tình phớt lờ, rốt cuộc điều này lại phá hủy chính Gruzia”, Tổng thống Putin nói.

Hiện vẫn còn một số người Gruzia phản đối việc Nga duy trì sự hiện diện quân sự tại Nam Ossetia và Abkhaziahai, hai khu vực ly khai khỏi Gruzia trong cuộc chiến năm 2008. Quan hệ giữa Nga và Gruzia đang trải qua giai đoạn khó khăn khi các cuộc biểu tình chống Nga nổ ra tại Gruzia.

Xem thêm >> Mỹ có động thái hòa giải đầu tiên trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Theo Dân Trí/Tass, Sputnik
Cùng chuyên mục
Tin khác