TP. HCM: Bình Chánh chưa lên quận, giá đất đã tăng chóng mặt

Trần Lê - 22/11/2021 09:23 (GMT+7)

(VNF) - Theo Sở Xây dựng TP. HCM, chỉ mới có nghe thông tin về việc huyện Bình Chánh có thể chuyển đổi thành quận thì giá đất trong dân đã tăng, nên cần công bố công khai về lộ trình qui hoạch để người dân được biết.

VNF
Giá đất tại các xã ở huyện Bình Chánh đang được đẩy lên cao (ảnh minh họa)

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM và UBND huyện Bình Chánh vừa tổ chức hội thảo "Tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040".

Theo ông Trần Văn Nam, Bí thư huyện Ủy Bình Chánh, huyện có những mặt thuận lợi về vị trí địa lý; hàng trăm dự án đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xạ tầng xã hội và nhà ở nên tiềm năng phát triển rất lớn. Quá trình đô thị hoá trên địa bàn huyện diễn ra nhanh, dân số tăng cơ học luôn ở mức cao, trung bình 30.000 người/năm; dự báo lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng, trật tự đô thị, môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn và còn diễn biến phức tạp.

Mô hình chính quyền địa phương theo đơn vị hành chính huyện, xã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá củ huyện. Do đó, trong thời gian tới việc lập đề án chuyển huyện Bình Chánh thành quận giai đoạn 2021 – 2030 là một trong những chương trình đột phá đổi mới phát triển huyện Chánh đã được Đại hội thông qua.

Theo Sở Xây dựng TP. HCM, việc quy hoạch lên quận cần có thời gian dài để chuẩn bị. Thực tế hạ tầng, quy hoạch của huyện Bình Chánh vẫn chưa đảm bảo.

Theo đó, việc đưa thông tin quy hoạch huyện lên quận sẽ gây ra tâm lý người dân, giới đầu tư tìm cách tăng giá đất, ví dụ đất nông nghiệp chỉ 2 tỷ đồng/công, sau khi báo chí đăng về kế hoạch của UBND huyện khiến giá đất tăng chóng mặt, từ đó gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường để làm các công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

Sở này đề nghị UBND huyện cần phải có lộ trình cụ thể theo từng giai đoạn và công khai cho người dân nắm. Theo quy hoạch, Bình Chánh đến năm 2025 có khoảng 858.000 dân thì cần phải tính toán xem có bao nhiêu trường học, bệnh viện, bao nhiêu km đường giao thông, các công trình công cộng…

Hiện nay Bình Chánh có các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết 1/2000, quy hoạch phân khu, quy hoạch nông thôn, quy hoạch nông thôn mới đang bị xen cài, chồng lấn với nhau.

Do đó, Sở Xây dựng lưu ý nếu những vấn đề này của huyện Bình Chánh không giải quyết được những vấn đề chồng lấn trong quy hoạch thì rất khó để chuyển từ huyện lên quận. Đồng thời đây cũng là vấn đề bức xúc của người dân ở khu vực này.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM, thành phố đã đề nghị Chính phủ cho phép chỉ giữ lại 15.000 ha đất trồng lúa. Tùy vào thực tế cho phép sử dụng loại hình nông nghiệp phù hợp. UBND huyện cần xem đó là lợi thế để phát triển địa phương.

Trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đang được UBND huyện triển khai và đã được UBND Thành phố cho phép nghiên cứu với một số định hướng cụ thể như: Bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp chuyên ngành, quy hoạch khu sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển vận tải đa phương thức, ngành logistics, phát huy lợi thế vị trí cửa ngõ phía Tây - Nam.

Bên cạnh đó, Bình Chánh cũng dự kiến chuyển đổi khoảng 5.027 ha, chiếm khoảng 52,98% diện tích chuyển đổi đất quy hoạch chức năng nông nghiệp theo quy hoạch chung xây dựng huyện Bình Chánh đã được phê duyệt trước đây trên cơ sở nghiên cứu phát triển các khu vực nông nghiệp công nghệ cao. 

Cùng chuyên mục
Tin khác