TP. HCM lý giải mức đấu giá 15 triệu đồng/m2 đất dọc tuyến Vành đai 3
Hà Mai -
30/05/2022 07:28 (GMT+7)
Dự kiến, hơn 38 ha đất dọc 2 bên tuyến đường Vành đai 3 sẽ được TP.HCM đấu giá, thu về hơn 10.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong thẩm tra báo cáo tiền khả thi dự án, Kiểm toán Nhà nước đề nghị làm rõ giá dự kiến đền bù đất dân cư của dự án là 26 triệu đồng/m2, cao gấp 1,7 lần mức 15 triệu đồng/m2 mà thành phố tính đấu giá.
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TP. HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này, chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
"Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, quá trình triển khai dự án cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên và qua quá trình đấu giá giá trị các khu đất này sẽ tăng lên. Đối với giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là 26 triệu đồng/m2" - ông Phúc nói và thông tin trong bước tiếp theo, TP.HCM sẽ thực hiện công tác đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án theo đúng quy định.
Thành phố đảm bảo tính đúng, tính đủ và đã tính đến các chính sách về đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của người dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đường Vành đai 3 đi qua TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp đang diễn ra. Giai đoạn một, dự án giải phóng mặt bằng hơn 640 ha đất, với gần 3.900 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng làm dự án khoảng 41.600 tỷ đồng, trong đó TP. HCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỷ đồng.
Việc đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công, nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn đầu tư dự án như đầu tư theo hình thức PPP (không tính lợi nhuận cho Nhà đầu tư, lãi vay,...) do đó sẽ chủ động về thời gian, giá vé phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của doanh nghiệp, người dân khi tham gia giao thông.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone