TP. HCM sẽ làm tuyến BRT dài 23km dọc đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ

Trần Lê - 21/04/2022 15:57 (GMT+7)

(VNF) - Sở Giao thông Vận tải TP. HCM vừa trình UBND TP. HCM chấp thuận 29 dự án, công trình trọng điểm giao thông năm 2022.

VNF
TP. HCM sẽ xây dựng 1 tuyến BRT dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chiều dài 23 km với 28 trạm dừng (ảnh minh họa)

Trong 29 dự án nêu trên, có 10 dự án thuộc nhóm chuẩn bị đầu tư, 19 dự án thuộc nhóm đã có quyết định phê duyệt đầu tư (6 dự án, công trình sẽ khởi công mới và 13 công trình đang thi công).

Tiêu chí xây dựng danh mục là các dự án có quy mô lớn, phức tạp và có ý nghĩa lớn về giải quyết ùn tắc giao thông. Các dự án cũng mang tính chất kết nối liên vùng; khu vực sân bay và cảng biển, các dự án hạ tầng phục vụ phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông – TP. Thủ Đức; các công trình đang triển khai đầu tư xây dựng nhưng chậm trễ gây bức xúc dư luận nên cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Các dự án chuẩn bị khởi công trong năm 2022 đáng chú ý là dự án phát triển giao thông xanh TP. HCM với nguồn kinh phí hơn 3.272 tỷ đồng, khởi công trong quý III/2022. Theo đó, TP. HCM sẽ xây dựng 1 tuyến BRT dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chiều dài 23 km với 28 trạm dừng, dự kiến hoàn thành trong quý I và vận hành vào quý II/2024.

Dự án đáng chú ý khác là nút giao thông An Phú, kinh phí hơn 3.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý III/2022. Theo thiết kế, nút giao An Phú có 3 tầng, gồm hầm chui hai chiều nối đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống. Dự án cũng sẽ xây dựng 2 cầu vượt gồm một cầu vượt hình chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của với đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây và 1 cầu vượt rẽ phải từ cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu giây vào đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội)

Một dự án lớn khác là xây dựng tuyến metro số 2 với tổng mức đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2022. Quy mô dự án là hơn 11 km bao gồm 4 ga trên cao, 9 ga ngầm và 1 depot đi qua 6 quận gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Dự án được phê duyệt thời gian hoàn thành năm 2026. Tuy nhiên theo chủ đầu tư, căn cứ tình hình thực tế hiện nay, dự án có thể kéo dài đến năm 2030.

Các dự án đáng nói khác là: xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý IV/2022; xây dựng đường Trần Quốc Hoàn có mức đầu tư dự kiến 4.849 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2022; dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành – Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng, dự kiến đầu tư và khởi công trong năm nay.

Cùng chuyên mục
Tin khác