TP. HCM: Trầy trật triển khai dự án nhà ở xã hội

Bảo Chương - 19/11/2021 10:09 (GMT+7)

Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ, những người thu nhập thấp phải vay lãi ngân hàng vẫn đau đáu về một ngôi nhà “trong mơ”.

VNF
Người mua nhà ở xã hội dự án Park Vista vẫn chưa biết bao giờ mới có thể nhận được nhà. Ảnh: Bảo Chương

Mòn mỏi chờ nhận nhà ở xã hội

Mua nhà từ năm 2015 và đã đóng hơn 90% giá trị hợp đồng nhưng những người mua nhà ở xã hội tại dự án tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình Apartment (Tân Bình Apartment) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình) làm chủ đầu tư cho đến nay vẫn chưa nhận được nhà.

Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã mắc nhiều sai phạm. Các cơ quan chức năng tại TP. HCM đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng tháo dỡ các hạng mục sai phạm, hoàn thiện dự án để bàn giao nhà cho người dân. Hạn chót phải giao nhà là ngày 30/4/2021. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của chủ đầu tư rất chậm.

Bên cạnh đó, cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà đang lao vào những cuộc chiến kiện tụng không hồi kết.

Cụ thể, một số khách hàng mua dự án nhà ở xã hội Tân Bình hiện nay đang bị chủ đầu tư khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) - chi nhánh TP. HCM. Nội dung là tại thời điểm ký hợp đồng mua bán năm 2016, Công ty Tân Bình chưa thực hiện thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán. Công ty cũng không được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là trái quy định và yêu cầu tuyên huỷ hợp đồng. Và theo phán quyết của Hội đồng Trọng tài của VIAC, chi nhánh TP. HCM, hợp đồng mua bán đó đã bị tuyên vô hiệu.

Kết luận này đang khiến khách hàng bị kiện cũng như các khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà dự án này bức xúc và hoang mang. Khách hàng cho rằng điều này có nghĩa là tại thời điểm ký hợp đồng chủ đầu tư đã sai phạm và cố tình chiếm dụng vốn của khách hàng nhiều năm qua.

Ngoài ra, theo nội dung phụ lục hợp đồng ký ngày 4/6/2017, chủ đầu tư có nghĩa vụ bàn giao căn hộ hoàn thiện cho khách hàng chậm nhất là ngày 30/11/2017. Tuy nhiên khi đến hạn, chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ theo cam kết tại phụ lục hợp đồng.

Và như đã biết cho đến nay dự án vẫn chưa thể bàn giao, từ đó, các khách hàng đã có đơn khởi kiện chủ đầu tư yêu cầu bồi thường thiệt hại theo phụ lục hợp đồng và đã thắng kiện. Tuy nhiên từ khi thắng kiện đến nay chủ đầu tư vẫn không chấp hành quyết định.

Trả lời về vấn đề này, trong văn bản trả lời báo giới, Công ty Tân Bình cho biết, đây là dự án nhà ở xã hội nên được dành 20% quỹ đất bán với giá thương mại. Thời điểm ký kết hợp đồng, phía công ty đã được cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý cho bán nhà ở xã hội nên công ty hiểu rằng phần diện tích thương mại trong tổng thể khu nhà ở xã hội cũng đủ điều kiện bán.

Tuy nhiên, quá trình Sở Xây dựng thanh tra, kiểm tra dự án đã chỉ ra phần diện tích nhà ở thương mại chưa đủ điều kiện bán và đã có quyết định xử phạt hành vi này. Vì vậy, để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật nhà ở, công ty khởi kiện tuyên bố Hợp đồng mua bán nhà ở thương mại vô hiệu.

Hàng trăm người mua nhà ở xã hội tại dự án Park Vista ở huyện Nhà Bè cũng đang cầu cứu khắp nơi trong bối cảnh chủ đầu tư dự án liên tiếp đưa ra lời hứa hẹn sẽ khởi động xây dựng lại dự án và sẽ bàn giao nhà cho khách hàng trong quý IV/2021.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn không thấy dự án thi công trở lại. Đây là dự án thuộc Phân khu 11B1, đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP. HCM, Park Vista là dự án do Công ty Đông Mê Kông làm chủ đầu tư. Mở bán từ cuối năm 2016, thế nhưng dự án thi công dang dở rồi ngưng khiến nhiều khách hàng bức xúc.

Trong lần đối thoại với khách hàng vào tháng 4/2021, chủ đầu tư đưa ra cam kết sẽ khởi công vào ngày 15/4/2021 và sẽ bàn giao căn hộ sau 15 tháng kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách và cho đến nay dự án vẫn đóng cửa then cài không có dấu hiệu khởi động. Liên hệ với chủ đầu tư cũng không thể được và không có bất cứ một thông tin gì về ngày dự án khởi động. Trong khi đó, những người mua nhà ở xã hội tại dự án đang thật sự khó khăn vì mất thu nhập, không thể trang trải chi phí thuê nhà.

Bên cạnh đó họ còn phải gồng gánh trả lãi vay ngân hàng trong bối cảnh không có sự hỗ trợ nào từ phía chủ đầu tư và ngân hàng khiến cho cuộc sống của họ lao đao.

Còn nhiều bất cập

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận kiểm toán chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP. HCM năm 2020. Theo kết luận kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khẳng định chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP. HCM năm 2020 chưa đạt mục tiêu đề ra, chỉ hoàn thành gần 13.900 căn hộ, đạt 69% so với kế hoạch.

Theo KTNN, TP. HCM lựa chọn chủ đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án nhà ở xã hội khi chưa có trong kế hoạch.

Thực tế cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn cung nhà xã hội trên địa bàn TP. HCM khan hiếm là vì có nhiều dự án năng lực chủ đầu tư có vấn đề, hoặc vướng nhiều sai phạm nên mãi vẫn không xây xong.

Mới đây, Sở Xây dựng TP. HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt chỉ tiêu tăng thêm 2,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia để thực hiện mục tiêu không đơn giản và cần phải có chính sách cụ thể. Ngoài nguyên nhân thiếu hụt các gói kích cầu hỗ trợ người mua nhà, các quy định pháp luật liên quan còn nhiều hạn chế.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM - cho rằng, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp cùng tham gia. Chẳng hạn, Nhà nước quy định mức lợi nhuận khi làm nhà ở xã hội là 10%, doanh nghiệp nào cảm thấy chính sách này phù hợp với mình thì sẽ lựa chọn đầu tư.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội, ngoài chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia, rất cần có chế tài mạnh tay với những doanh nghiệp lợi dụng chính sách nhân văn về nhà ở để trục lợi. Các cơ quan quản lý ở địa phương cần kiểm tra, giám sát việc xây dựng, mua bán nhà ở xã hội để đảm bảo chủ đầu tư thực hiện nghiêm.

Theo LĐO
Cùng chuyên mục
Tin khác