TP. Hồ Chí Minh: Hơn 100 dự án dừng triển khai, nhiều nơi tắc vì 'dính' đất công
Trần Lê -
22/10/2022 23:33 (GMT+7)
(VNF) - Toàn TP.Hồ Chí Minh hiện có hơn 100 dự án bất động sản của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc 'đất công' hoặc do cổ phần hóa trước đây.
Báo cáo Đánh giá thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm 2022 của Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, 9 tháng năm 2022, TP. HCM có 21 dự án đủ điều kiện huy động vốn với tổng số 11.600 căn nhà, trong đó có 10.166 căn hộ chung cư chiếm 87,6% và 1.434 căn nhà thấp tầng chiếm 12,4% tổng số nhà ở đưa ra thị trường.
Riêng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động trong 9 tháng năm 2022, thành phố đã khởi công xây dựng 4 dự án nhà ở xã hội và 1 dự án nhà lưu trú công nhân.
Báo cáo của HoREA cũng đề cập đến tình trạng lệch pha cung - cầu và sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền. Bên cạnh đó, thị trường đã xuất hiện dấu hiệu lệch pha tín dụng về phân khúc nhà ở cao cấp. Cụ thể, tổng giá trị cần huy động vốn của phân khúc nhà ở cao cấp chiếm khoảng 80,2% tương ứng 83.231 tỷ đồng cần huy động vốn.
Theo HoREA, nhìn tổng thể thì thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân bắt nguồn từ một số vướng mắc về thể chế pháp luật và khâu thực thi pháp luật, thể hiện qua hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại của hơn 80 doanh nghiệp dừng triển khai thực hiện, trong đó có 64 dự án sử dụng đất có nguồn gốc 'đất công' hoặc do cổ phần hóa trước đây.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, tất các chủ đầu tư lớn nhỏ làm dự án nhà ở thương mại hay người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, nhất là khi có các quy định của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM về 'Quản lý chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản…'.
Nghị định 65/2022/NĐ-CP vừa mới ban hành với nhiều quy định khiến cho các doanh nghiệp bất động sản ngày càng khó tiếp cận thị trường vốn trái phiếu hơn so với trước đây.
Tại báo cáo này, HoREA kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 mà Quốc hội khoá XIV đã cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được 'chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có Giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất'.
Đồng thời, kiến nghị xem xét 'có kết luận dứt điểm' các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc 'đất công', hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý, trong đó TP HCM có 64 dự án, để tăng nguồn cung nhà ở.
Xem xét có thể nới trần tín dụng thêm 1%-2% để có thêm khoảng 100.000-200.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm.
HoREA đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là 'nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp' được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định.
HoREA cũng đề nghị UBND TP. HCM thống nhất thực hiện 'trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án đầu tư xây dựng lại nhà chung cư cấp D trên địa bàn TP. HCM; giải quyết hơn 100 dự án bị 'vướng mắc' của các doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà trong dự án nhà ở thương mại…
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone