TP.HCM thêm đơn vị ‘ngang sở’: Trung tâm phục vụ Hành chính công

Nam Phương - 27/09/2024 12:00 (GMT+7)

(VNF) - Đơn giản hóa quy trình, thủ tục bằng giải pháp phi địa giới "Bộ phận một cửa hiện tại" là bước đột phá của hành chính công TP.HCM

Sáng 27/9, Hội đồng Nhân dân TP.HCM Khóa X kỳ họp thứ 18 đã họp và biểu quyết thông qua việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.HCM (HCMC PASC)

Theo UBND TP.HCM, việc triển khai thí điểm thành lập HCMC PASC là bước đi tất yếu, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được từ “Mô hình Bộ phận Một cửa hiện tại” nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), phục vụ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh mới; hướng đến chuyên nghiệp hóa bộ phận hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa và trả kết quả TTHC; tăng cường chất lượng phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và không phân biệt địa giới hành chính khi thực hiện giải quyết TTHC trên địa bàn.

TP.HCM thí điểm thực hiện phi địa giới "Bộ phận một cửa hiện tại" bằng giải pháp Trung tâm Phục vụ hành chính công một cửa. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, việc thí điểm thành lập HCMC PASC sẽ giảm số lượng bộ phận một cửa, góp phần tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời các nguồn lực này có thể được sử dụng hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ. Nguồn nhân lực dôi dư sẽ được bố trí, sắp xếp cho các vị trí công tác khác thiếu biên chế hoặc tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời giảm chi phí cho cơ sở hạ tầng, bảo trì và các chi phí vận hành khác, góp phần tiết kiệm ngân sách.

Đại diện UBND TP.HCM cho biết, HCMC PASC với chức năng là cơ quan hành chính tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn TP theo cơ chế một cửa, một liên thông. HCMC PASC có tư cách pháp nhân, có trụ sở làm việc tại TP.HCM, có con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng và được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách Nhà nước theo quy định.

Về vị trí pháp lý, trung tâm là cơ quan hành chính thuộc UBND TP.HCM, tương đương cấp sở, trụ sở đặt tại 86 Lê Thánh Tôn (P.Bến Nghé, Q.1). Trung tâm vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết TTHC kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành, hệ thống nền tảng dùng chung.

HCMC PASC dự kiến ra mắt đầu tháng 10/2024, vận hành theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 10 đến hết tháng 12/2024, trung tâm hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự, sửa chữa trụ sở, trang thiết bị, ban hành quy trình, việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ như hiện tại. Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2025 - 31/12/2025, tiếp nhận hồ sơ tại chi nhánh trung tâm, 22 chi nhánh quận, huyện, TP.Thủ Đức, 18 điểm tiếp nhận cấp sở và 312 điểm cấp xã.

Được biết, TP.HCM hiện có 352 bộ phận một cửa, gồm 18 cấp sở, 22 cấp huyện và 312 cấp xã với tổng nhân sự tính đến ngày 26.8 là 2.558 công chức, viên chức. Trung bình bộ phận một cửa cấp sở bố trí 15 - 17 người, UBND cấp huyện từ 10 - 12 người, còn UBND cấp xã từ 6 - 7 người. Tại UBND cấp huyện, cấp xã, có những lĩnh vực có phát sinh hồ sơ giải quyết TTHC nhưng số lượng hồ sơ không nhiều hoặc hồ sơ phát sinh theo đợt dẫn đến thực trạng vừa thừa, vừa thiếu trong việc bố trí cán bộ, cơ sở vật chất tại bộ phận một cửa và phòng chuyên môn. Hay như, một số thủ tục khác, địa phương này có nhưng địa phương khác có rất ít như thủ tục xác nhận sử dụng đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Trước thực trạng đó, việc thí điểm thành lập HCMC PASC mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho TP, nổi bật như: Đây là nơi giữ vai trò điều phối chung, là công cụ hiệu quả để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của Lãnh đạo UBND TP; tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ TTHC, dịch vụ công không phụ thuộc vào địa giới hành chính; tạo điều kiện cho việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện, tổ chức tiếp nhận, số hóa và giám sát, điều phối việc giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Đồng thời, sử dụng thống nhất các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ, cơ sở dữ liệu dùng chung để tránh lãng phí; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận, thực hiện TTHC, trong đó 100% hồ sơ TTHC đều được công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, giải quyết để tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, giám sát, đánh giá; bảo đảm trải nghiệm dịch vụ giữa các Bộ phận một cửa thống nhất, đồng bộ.

Đổi mới, sáng tạo là 'điểm nhấn' chuyển đổi nền kinh tế

Đổi mới, sáng tạo là 'điểm nhấn' chuyển đổi nền kinh tế

Tiêu điểm
(VNF) - Chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên Đối thoại chính sách trong chương trình Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024
Cùng chuyên mục
Tin khác