Trên đà hưng phấn, nhóm cổ phiếu bất động sản có tiếp tục tăng trưởng?

Nguyễn Tường - 03/04/2018 11:36 (GMT+7)

(VNF) – Hàng loạt mã cổ phiếu địa ốc đang tăng trưởng mạnh về giá trị lẫn thanh khoản. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhóm cổ phiếu bất động sản là địa hạt hút mạnh dòng tiền đầu tư. Theo các chuyên gia đầu ngành và các đơn vị phân tích chứng khoán, đà tăng trưởng của nhóm này sẽ tiếp tục duy trì.

VNF

Bứt tốc

Tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu bất động sản là là VIC của Tập đoàn Vingroup, doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường. Trong phiên giao dịch đầu năm nay, VIC đứng ở mức 78.200 đồng/cổ phiếu, thì đến thời điểm hiện tại, đang giao dịch quanh vùng giá 120 nghìn đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng trưởng 57%.

Trước phiên giảm sàn "khựng" lại vào ngày giao dịch 3/4, VIC có 4 phiên phá trần liên tiếp và hàng loạt phiên tăng trần trước đó. Hấp lực của mã này vẫn đang được duy trì với trung bình hơn 2 triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.

NVL của Tập đoàn Novaland cũng đang có sự tăng trưởng ấn tượng khi đang có phiên "xanh sàn" thứ 7 liên tiếp với lượng cổ phiếu khớp lệnh chạm mốc 3 triệu trong phiên gần nhất.

Ở phiên giao dịch 2/1/2018, NVL có mức giá 65.500 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm hiện tại, mã cổ phiếu này đang dao động quanh mốc 72 ngìn đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng trưởng hơn 11%. Thị giá của NVL những ngày gần đây có mức tăng trưởng lũy tiến hơn 4%.

Một mã khác trong nhóm "đại gia" là KĐH của Nhà Khang Điền đang có tín hiệu tiến về vùng giá 40 nghìn đồng/cổ phiếu. KDH đang được giao dịch quanh mốc 37 nghìn/cổ phiếu. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng khi ở thời điểm đầu năm, thị giá của KDH chỉ quanh mức 27 nghìn đồng/cổ phiếu.

Ở nhóm trung bình, SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (hiện tại là TTC Land) đang bứt phá ấn tượng và vượt mốc 14 nghìn đồng/cổ phiếu. Đây là mức tăng trưởng "khủng" so với vùng giá 9 nghìn đồng/cổ phiếu thời điểm đầu năm.

Cổ phiếu TDH của Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức dù không bức phá mạnh mẽ nhưng cũng tiến dần đều ở xu hướng đi lên. Mở đầu năm 2018, TDH ở vùng giá 14.900 đồng/cổ phiếu thì có thời điểm vượt mốc 15.600 đồng/cổ phiếu. 

Sau 3 phiên xanh sàn, TDH đang có dấu hiệu giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhìn vào khối lượng giao dịch đột biến và trị giá tăng lũy tiến hơn 1% sau mỗi phiên, đây là cổ phiếu tăng trưởng ổn định và ít rủi ro nhất trong mắt nhà đầu tư.

Phong độ hay đẳng cấp?

Đánh giá của các chuyên gia độc lập, sự tăng trưởng của các mã cổ phiếu đã liệt kê, đều xuất phát từ sức hút nội tại qua các chiến lược kinh doanh riêng. Ngoài "blue chip" VIC, những mã như NVL, KDH, SCR, TDH đều gây sức hút mạnh mẽ nhờ cơ cấu dòng tiền và bung sản phẩm hợp lý.

Xét trên bình diện chung, nhóm cổ phiếu địa ốc đang có đà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo phân tích của các công ty chứng khoán, nhóm này đã có mức tăng trưởng 52%, vượt xa mức tăng 48% của Vn-Index trong năm 2017. Kết quả giao dịch tích cực của nhóm cổ phiếu bất động sản là nhờ doanh số bán bất động sản tăng mạnh cũng như kết quả kinh doanh 2017 tăng trưởng tốt.

Theo thống kê của SSI, trong số khoảng 60 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên thị trường chứng khoán có tới 36 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017 và 1/3 trong số đó có mức lợi nhuận tăng trưởng trên 100%.

Theo CBRE Việt Nam, đà tăng trưởng các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản sẽ bền vững bởi trong năm 2017, tổng khối lượng giao dịch nhà chung cư tăng 14% ở Hà Nội, trong khi tổng số căn hộ bán ra tại TP.HCM khoảng 33.000 căn. Tỷ lệ hấp thụ ở Hà Nội và TP.HCM duy trì ở mức cao tương ứng là 66% và 75% so với mức 70% vào năm 2016. 

Một nguyên nhân khác khiến cổ phiếu bất động sản sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng là dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam đạt 35,9 tỷ USD trong năm 2017 và bất động sản tiếp tục nằm trong số các ngành thu hút nhiều FDI nhất tại Việt Nam với 3 tỷ USD, chiếm khoảng 8,5% và đứng thứ 3, chỉ đứng sau ngành sản xuất chế biến và ngành sản xuất và phân phối điện.

Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, trong vài năm tới thị trường bất động sản và nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng, vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là sự phát triển đô thị hóa, ước tính ​​sẽ tiếp tục tăng lên 45% vào năm 2020 và tốc độ tăng trưởng dân số thành thị là 3% một năm. Quá trình đô thị hoá nhanh chóng cùng với việc dân số sẽ gia tăng ​​được kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu nhà ở hàng năm ở mức 374.000 căn hộ. Mỗi năm tại TP.HCM có 58.000 và Hà Nội có 42.000 hộ gia đình mới được hình thành. Sự thay đổi của các gia đình trong việc tạo dựng không gian sống đã hỗ trợ mạnh mẽ nhu cầu nhà ở. Hơn nữa, mức thu nhập tăng lên và lãi suất ổn định ở mức thấp cũng hỗ trợ khả năng chi trả.

"Tất cả những yếu tố đó sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Đồng thời, cổ phiếu của những doanh nghiệp bất động sản sẽ bức tốc và tăng trưởng bền vững", ông Hoàng nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác