Trước thềm bầu cử Mỹ: Người dân phấn chấn, doanh nghiệp lo âu

Quỳnh Anh - 30/10/2024 15:54 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ còn vài ngày nữa, nước Mỹ sẽ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, những cuộc khảo sát do giới truyền thông thực hiện cho thấy tâm trạng và kỳ vọng về nền kinh tế của người dân Mỹ và các doanh nghiệp đang biến đổi theo hướng trái ngược.

Người dân phấn chấn về nền kinh tế

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 1 tuần cho tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc khảo sát người tiêu dùng mới nhất của tổ chức phi lợi nhuận The Conference Board cho thấy người Mỹ đã lạc quan hơn về tương lai của cả thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ nói chung.

Theo đó, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của cuộc khảo sát hàng tháng đã tăng vọt vào tháng 10 với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2021.

"Sự gia tăng niềm tin vào tháng 10 ghi nhận rộng rãi trên tất cả các nhóm tuổi và hầu hết các nhóm thu nhập", ông Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng của The Conference Board, cho biết.

"Tỷ lệ người tiêu dùng dự đoán suy thoái trong 12 tháng tới cũng như tỷ lệ người tiêu dùng tin rằng nền kinh tế đã suy thoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi câu hỏi được hỏi lần đầu tiên vào tháng 7/2022", bà Dana cho biết thêm.

Những người Mỹ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ cảm thấy lạc quan hơn về mức tăng gần đây của thị trường chứng khoán và lãi suất thấp hơn, đồng thời báo hiệu kế hoạch mua các mặt hàng đắt tiền trong tương lai gần.

Trước đó, vào tháng 9, sự lo lắng về sức khỏe của thị trường việc làm đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, nhưng dữ liệu kinh tế sau đó cho thấy thị trường việc làm vẫn vững chắc. Điều này đã giúp xoa dịu tâm trạng của người dân.

Doanh nghiệp lo ngại bất ổn

Trong khi tâm trạng tiêu cực của người dân dần được cải thiện, thì với các doanh nghiệp, nỗi lo âu đang không ngừng tăng lên.

Cuộc bầu cử năm nay có vẻ sẽ đặc biệt xấu đối với giới kinh doanh, khi hai ứng cử viên tổng thống có quan điểm không mấy khác biệt về thuế và quy định.

Ngoài ra, quyền kiểm soát Nghị viện cũng đang bị tranh giành, điều này có thể gây tổn hại đáng kể hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho cơ hội thực hiện chương trình nghị sự của bất kỳ ứng viên nào đắc cử.

Điều này đã đẩy sự bất ổn trong số các chủ doanh nghiệp nhỏ lên mức cao nhất mọi thời đại kể từ khi Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia tiến hành cuộc khảo sát hàng tháng kéo dài gần 40 năm để đánh giá tâm lý của các doanh nghiệp nhỏ.

Các chuyên gia cho biết nỗi lo lắng về cuộc bầu cử đã buộc các doanh nghiệp ở mọi quy mô phải trì hoãn hoạt động, điều này cuối cùng có thể tác động tiêu cực đến lợi nhuận của họ và nền kinh tế Mỹ nói chung.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), gần 1/3 số người có quyền quyết định trong doanh nghiệp đã "hoãn", "thu hẹp", "trì hoãn vô thời hạn" hoặc "hủy vĩnh viễn" các kế hoạch đầu tư ngắn hạn và dài hạn của mình vì sự bất ổn của cuộc bầu cử năm nay.

Những nhà lãnh đạo này dự đoán doanh thu và tăng trưởng việc làm của công ty họ trong năm nay sẽ thấp hơn so với các công ty có kế hoạch đầu tư không bị ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử.

Đây là khảo sát CFO hàng quý mới nhất từ ​​các ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta (Fed Atlanta) và Richmond, phối hợp với Trường Kinh doanh Fuqua của Đại học Duke. Nhóm khảo sát bao gồm các nhà lãnh đạo từ các doanh nghiệp nhỏ hơn của Mỹ cũng như tại các công ty Fortune 500 trên tất cả các ngành công nghiệp lớn.

Daniel Weitz, giám đốc khảo sát tại Fed Atlanta, cho biết quy mô các công ty có kế hoạch đầu tư bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của cuộc bầu cử là "khá đáng chú ý" so với các cuộc bầu cử trước đó. Ông cho biết điều này có thể "có tác động rất có ý nghĩa" đến quỹ đạo của toàn bộ nền kinh tế, mặc dù nó có thể chỉ là tạm thời.

Bên cạnh đó, một loạt các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì sự bất ổn của cuộc bầu cử.

Ví dụ, các công ty sản xuất được khảo sát bởi Fed Cleveland báo cáo rằng một số nhà sản xuất đang trì hoãn việc đặt hàng mới. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond báo cáo rằng một nhà sản xuất dệt may được khảo sát "dự kiến ​​nhu cầu sẽ ảm đạm vì khách hàng mua hàng thận trọng cho đến năm mới do 'giai đoạn lo lắng thường thấy' trước thềm bầu cử".

Ngay cả những nhà lãnh đạo các tổ chức phi lợi nhuận cũng cho biết hoạt động của họ đang bị ảnh hưởng vì "sự bất ổn về kinh tế và bầu cử đã khiến một số nhà tài trợ ngần ngại đóng góp", theo báo cáo của Fed khu vực Dallas.

Brent Meyer, phó chủ tịch phụ trách và nhà kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Atlanta, cho biết trước các cuộc bầu cử tổng thống trước đây, các công ty ít có khả năng gặp phải những tác động này từ kết quả không chắc chắn. Sự khác biệt hiện nay là vì bà Kamala Harris tham gia cuộc đua muộn và hai ứng viên đang bám đuổi sít sao về tỷ lệ ủng hộ.

Cuộc bám đuổi sát nút

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang dẫn trước với tỷ lệ sít sao trong cuộc đua giành phiếu đại cử tri, nhưng xét về số phiếu phổ thông, cả hai ứng cử viên đều đang bám đuổi sát nút.

Đây vẫn là một cuộc đua cực kỳ sít sao, khi bà Harris chỉ nhỉnh hơn một chút so với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - tỷ lệ ủng hộ của hai ứng viên lần lượt là 46% và 43% - trong cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos được tiến hành từ ngày 16 đến 21/10.

Trong khi đó, cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất của USA TODAY/Đại học Suffolk cho thấy bà Harris dẫn trước một chút cũng như có khoảng cách giới tính lớn.

Theo đó, tỷ lệ phụ nữ ủng hộ bà Harris là 53% và ông Trump Là 36%, trong khi tỷ lệ cử tri nam ủng hộ ông Trump là 53% và bà Harris là 37%.

Nếu biên độ đó duy trì cho đến Ngày bầu cử, thì đây sẽ là sự chênh lệch lớn nhất kể từ khi khoảng cách giới tính xuất hiện cách đây hơn bốn thập kỷ, vào năm 1980, theo báo cáo từ USA TODAY.

Trong cuộc thăm dò gần đây nhất của USA TODAY/Đại học Suffolk, được tiến hành từ ngày 20 đến 23/10, ông Trump và bà Harris gần như ngang bằng nhau ở một tiểu bang chiến trường quan trọng, Wisconsin, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 48% và 47%, trong số 500 cử tri có khả năng đi bỏ phiếu. Kết quả nằm trong biên độ sai số của cuộc thăm dò là 4,4 điểm phần trăm.

Cuộc thăm dò cuối cùng về số phiếu phổ thông của tờ New York Times/Siena College được công bố ngày 25/10, cho thấy ông Trump và Harris có số phiếu bằng nhau là 48%.

Theo CNN
Bầu cử Tổng thống:  Kinh tế Mỹ trước hai ngã rẽ

Bầu cử Tổng thống: Kinh tế Mỹ trước hai ngã rẽ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không chỉ tác động đến chính trị mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Kết quả bầu cử có thể thay đổi các chính sách về thuế, thương mại và đầu tư, từ đó tác động trực tiếp đến thị trường tài chính, việc làm và tốc độ tăng trưởng kinh tế của không chỉ nước Mỹ mà trên toàn thế giới.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.