Trượt Long Thành, ngôi vị của Coteccons có lung lay?

Ái Châu Tử - 26/09/2023 13:40 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù vẫn là doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam, nhưng khoảng cách giữa Coteccons và các doanh nghiệp xây dựng khác đã bị thu hẹp đáng kể trong các năm qua. Liệu rằng sự vươn lên mạnh mẽ của “dàn sao trẻ” cộng với việc trượt gói thầu 5.10 dự án sân bay Long Thành có đe dọa tới ngôi vị của Coteccons trong thời gian tới?

VNF

Trượt Long Thành, triển vọng lợi nhuận của Coteccons sẽ ra sao?

Thời gian gần đây, thông tin được giới xây dựng Việt Nam quan tâm nhất là kết quả đấu thầu gói 5.10 dự án sân bay Long Thành có giá trị 35.000 tỷ đồng. Kết quả cuối cùng được ACV công bố cho thấy liên danh VIETUR (dẫn đầu là IC ISTAS, theo sau là Ricons, Newtecons, SOL E&C, Vinaconex, CC1, Hancorp, Phục Hưng Holdings, ATAD, Hawee Cơ điện) đã trúng thầu với giá 27.800 tỷ đồng và gần 339 triệu USD (hơn 8.100 tỷ đồng). Thời gian thực hiện hợp đồng là 1.170 ngày, tương đương 39 tháng.

Việc VIETUR trúng thầu không hẳn là một bất ngờ, vì các doanh nghiệp trong liên danh đều là các tên tuổi rất lớn của ngành xây dựng Việt Nam. Công ty Chứng khoán VietCap ước tính liên danh này có thể đạt biên lãi ròng 3% trên giá trị gói thầu, tương đương khoảng một nghìn tỷ đồng.

Có câu “hạnh phúc như một tấm chăn hẹp, người này kéo thì người kia hở”, niềm vui của các thành viên của VIETUR là nỗi buồn đối với những doanh nghiệp thuộc liên danh Hoa Lư. Trong đó, Coteccons có lẽ là buồn nhất, bởi công ty này vừa đứng đầu liên danh, lại đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc đấu Long Thành. Việc trượt chân ở gói thầu có giá trị lớn nhất ngành xây dựng Việt Nam hiện tại khiến triển vọng lợi nhuận của Coteccons ít nhiều bị ảnh hưởng và phần nào tác động tới vị thế số 1 của doanh nghiệp này.

Tuy vậy, bình tâm nhìn nhận, việc trượt Long Thành cũng không phải là điều nghiêm trọng với Coteccons. Có ít nhất 3 điểm cho thấy hoạt động kinh doanh của Coteccons không vì Long Thành mà suy yếu.

Một là doanh số, thị phần. Kể từ khi ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons đã trải qua 2 năm “trầm luân” (2020 – 2021) với doanh số sụt giảm rất mạnh. Song từ năm 2022, công ty đã lấy lại được đà tăng trưởng với doanh thu tăng tới 60% so với năm trước, đạt 14.536 tỷ đồng, lớn nhất Việt Nam. Bước sang năm 2023, doanh thu tiếp tục tăng trưởng: quý I tăng 63% và quý II tăng 10% (so với cùng kỳ năm trước). Đáng nói, từ độc canh mảng xây dựng dân dụng – thương mại, Coteccons vươn tay sang xây dựng hạ tầng và công nghiệp, gặt hái được những thành tựu rất đáng khích lệ.

Thành tựu về doanh số, thị phần này đến từ việc Coteccons đã nâng cao hiệu quả của phòng đấu thầu, loại bỏ tình trạng lệ thuộc vào một/một vài cá nhân lãnh đạo như dưới thời ông Nguyễn Bá Dương. Ngoài ra, chiến thuật “repeat sales” (bán hàng lặp lại) đã phát huy tác dụng rất lớn khi Coteccons được các chủ đầu tư gọi thầu lần 2, lần 3, thậm chí được chỉ định thầu.

Năm 2023, Coteccons có backlog 17.000 tỷ đồng, chưa tính dự án Lego. Cùng với kết quả ký mới trong nửa đầu năm 2023, có thể nói công ty đang trong tình thế “không thiếu việc để làm”.

Bên cạnh câu chuyện doanh thu là lợi nhuận. Từ quý IV/2022 trở đi, Coteccons đã chấm dứt tình trạng phập phù lỗ lãi. 3 quý gần đây nhất, lợi nhuận sau thuế của công ty đi lên đều đặn: quý IV/2022 đạt 18,8 tỷ đồng, quý I/2023 đạt 22 tỷ đồng, quý II/2023 đạt 30 tỷ đồng. Mặc dù mức lợi nhuận này là khá nhỏ, tuy nhiên cần biết rằng lãi nhỏ là do Coteccons mạnh tay trích lập dự phòng. Trong 3 năm trở lại đây, Coteccons đã nâng con số trích lập lên tới 1.117 tỷ đồng (ghi nhận tại thời điểm kết quý II/2023). Nếu không trích lập mạnh tay như vậy, chỉ riêng năm 2022, công ty đã có thể lãi trước thuế khoảng 300 tỷ đồng.

Trên thực tế, khoản trích lập không bị mất đi mà sẽ được hoàn nhập khi công ty thu hồi được nợ, ví như năm 2022, Coteccons đã hoàn nhập 41 tỷ đồng. Như vậy, trong tương lai, lợi nhuận của Coteccons sẽ có thời điểm gia tăng đột biến nhờ hoàn nhập dự phòng. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, nhờ mạnh tay trích lập trong suốt 3 năm qua, tới năm 2023 này, Coteccons chỉ còn phải trích lập khá ít. Đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng lợi nhuận của công ty.

Một yếu tố rất quan trọng khác nữa cho thấy Long Thành không làm suy yếu Coteccons là năng lực cạnh tranh của công ty đang ngày càng lớn. Coteccons dưới “triều đại” Bolat Duisenov những năm qua đã thực hiện chương trình cải cách khá mạnh mẽ, nâng cao chất lượng về quản trị và các tiêu chuẩn minh bạch. Nhờ đó, công ty đang sở hữu lợi thế rất lớn trong việc đấu thầu các dự án của khối ngoại tại Việt Nam mà chiến thắng tại dự án Lego trước Newtecons là một điển hình. Các dự án của khối ngoại được xem là miếng bánh ngon nhất thị trường xây dựng hiện nay, bởi vừa có giá tốt, biên lợi nhuận tốt, lại thanh toán đúng giao hẹn, không bị chậm trễ như giới chủ trong nước hay các dự án đầu tư công.

Dòng tiền dồi dào

Không chỉ đi lên về năng lực kinh doanh, Coteccons cũng đang cho thấy sự ổn định về chất lượng tài sản và dòng tiền. Ghi nhận cho thấy, tại thời điểm kết thúc quý II/2023, các khoản phải thu đạt 12.478 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm, chiếm 58% tổng tài sản; hàng tồn kho đạt 3.148 tỷ đồng, tăng 11%, chiếm 15% tổng tài sản. Tổng tỷ trọng của hàng tồn kho và các khoản phải thu là 73% - một mức “chấp nhận được” với ngành xây dựng.

Xem xét kỹ hơn, sự gia tăng của các khoản phải thu trong nửa đầu năm 2023 đến từ Vinhomes, một chủ đầu tư rất mạnh trên thị trường nhà ở, nên gần như không có quan ngại sâu sắc nào về chất lượng của khoản phải thu này. Trong khi đó, khoản phải thu từ Nam Hội An có cải thiện đáng kể.

Về dòng tiền, Coteccons nổi tiếng là doanh nghiệp xây dựng nhiều tiền nhất Việt Nam, với cỡ 4.000 tỷ đồng tiền và tương đương tiền cộng với các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Các khoản phải trả trong nửa đầu năm 2023 cũng tăng lên đáng kể, nổi bật là thêm khoảng 800 tỷ đồng khoản “người mua trả trước ngắn hạn” từ Công ty Lego. Nhờ tăng các khoản phải trả này, dòng tiền kinh doanh 6 tháng đầu năm dương 931 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Coteccons cũng đang lên kế hoạch cho phát hành thêm 24,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 1.000 tỷ đồng, làm dày thêm vốn chủ. Ngoài ra, công ty cho biết đã đạt được các thỏa thuận tài trợ vốn từ các ngân hàng lớn, sẵn sàng cho việc “đánh chiếm” các dự án lớn trong tương lai. Như vậy, có thể thấy Coteccons có thế đứng khá vững vàng và đang thể hiện khả năng tăng trưởng khá mạnh trong thời gian tới. Việc trượt Long Thành có thể làm giảm đi sức bật nhưng hầu như không thể ngăn cản Coteccons hướng tới những cột mốc mới hậu kỳ Nguyễn Bá Dương.

Về phía các đối thủ cạnh tranh ngôi vị với Coteccons, việc trúng Long Thành rõ ràng sẽ hỗ trợ lớn về doanh thu, lợi nhuận cho các đơn vị này, trực tiếp là Ricons và Newtecons – 2 doanh nghiệp đang đứng thứ 3 và 4 thị trường, kém Coteccons khoảng 3.000 tỷ đồng về doanh thu. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, 35.000 tỷ đồng chia cho 10 công ty trong VIETUR, trong thời gian 39 tháng, cũng không phải là một nền tảng quá lớn để có thể tạo ra sự thay đổi thứ hạng trong ngắn hạn.

Nguồn tin của Đầu tư Tài chính thậm chí còn cho thấy chỉ riêng nhà thầu dẫn đầu liên danh IC ISTAS chiếm hơn 50% khối lượng công việc (khoảng 18.300 tỷ đồng/35.000 tỷ đồng). Như vậy, IC ISTAS sẽ có 550 tỷ đồng lãi ròng – theo giả định biên lãi ròng 3% của VietCap. Điều này đồng nghĩa 9 nhà thầu còn lại chỉ có chưa đầy 17.000 tỷ đồng backlog và khoản lợi nhuận ròng đâu đó 500 tỷ đồng để chia nhau. Với thời gian ghi nhận lợi nhuận 3 – 3,5 năm, việc tạo ra đột biến về thứ hạng giữa các nhà thầu so với Coteccons phải nói là khá khó khăn. Vì thế, Coteccons nhiều khả năng sẽ vẫn giữ được ngôi vị số 1 ngành xây dựng Việt Nam của mình, dù cho khoảng cách giữa các bên có thể bị thu hẹp hơn nữa.

Cùng chuyên mục
Tin khác