Từng cạnh tranh với SpaceX, hãng phóng vệ tinh của tỷ phú Richard Branson nộp đơn phá sản

Minh Ý - 04/04/2023 21:09 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 4/4, công ty Virgin Orbit Holdings của tỷ phú Anh Richard Branson đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 do không thể đảm bảo được nguồn vốn dài hạn cần thiết để giúp công ty phóng vệ tinh phục hồi sau sự cố tên lửa xảy ra hồi đầu năm.

VNF
Công ty phóng vệ tinh của tỷ phú Richard Branson nộp đơn phá sản.

Theo Reuters, công ty có trụ sở tại Long Beach, California đã nộp đơn lên Tòa án Phá sản Mỹ quận Delaware và tìm cách bán tài sản sau khi tuyên bố sa thải khoảng 85% trong số 750 nhân viên vào tuần trước.

Giám đốc điều hành Virgin Orbit Dan Hart cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết tình hình tài chính của mình và đảm bảo nguồn tài chính bổ sung, nhưng cuối cùng chúng tôi phải làm những gì tốt nhất cho doanh nghiệp".

“Chúng tôi tin rằng công nghệ phóng tiên tiến mà công ty đã tạo ra sẽ có sức hấp dẫn rộng rãi đối với những người mua tiềm năng trong quá trình rao bán tài sản. Ở giai đoạn này, chúng tôi tin rằng quy trình của Chương 11 là con đường tốt nhất để xác định và hoàn tất một giao dịch mua bán hiệu quả và tối đa hóa giá trị”, ông Dan Hart nói thêm.

Công ty đã liệt kê tài sản khoảng 243 triệu USD và tổng nợ là 153,5 triệu USD tính đến ngày 30/9 trong hồ sơ xin phá sản.

Virgin Orbit cũng cho biết một cam kết từ Virgin Investments đã cho phép công ty đảm bảo khoản tiền mới trị giá 31,6 triệu USD thông qua tài trợ khoản nợ dưới hình thức "con nợ vẫn sở hữu tài sản", hay còn gọi là DIP (debt in possessing). Quá trình này đề cập đến việc các doanh nghiệp, đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 11, thế chấp tài sản để vay nợ mới nhưng vẫn được giữ các tài sản để tiếp tục hoạt động. 

Virgin Orbit được tỷ phú người Anh Richard Branson thành lập vào năm 2017, dưới trướng công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic. Công ty mẹ sở hữu 75% cổ phần của Virgin Orbit, trong khi quỹ tài sản có chủ quyền của Abu Dhabi Mubadala nắm giữ cổ phần lớn thứ hai với tỷ lệ 18%.

Công ty bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại vào năm 2021 và bắt đầu giao dịch công khai trên sàn chứng khoán Nasdaq sau một thỏa thuận SPAC. Vào thời điểm đó, Virgin Orbit được định giá lên tới 4 tỷ USD. 

Công ty nghiên cứu cách phóng tên lửa từ bên dưới chiếc máy bay Boeing 747 để đưa vệ tinh vào quỹ đạo, và là một trong số ít các công ty tên lửa chọn lọc của Mỹ đạt được quỹ đạo thành công với phương tiện phóng do tư nhân phát triển. 

Từng là công ty sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu trong ngành hàng không vũ trụ, nhưng sự thay đổi nhu cầu đối với các tên lửa phóng lớn hơn và các chuyến đi vào không gian hiệu quả hơn đã khiến Virgin Orbit tụt hậu. Đặc biệt, sau khi công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk phát triển tên lửa Falcon 9, thị phần dành cho Virgin Orbit thu hẹp thê thảm.

Hơn nữa, tháng 1 năm nay, nhiệm vụ thứ 6 của Virgin Orbit là phóng tên lửa trung tâm LauncherOne, tên lửa đầu tiên được phóng ra khỏi nước Anh, đã thất bại, khiến công ty càng thêm khó khăn về mặt tài chính. Công ty đã phải tạm dừng hoạt động và cho gần như tất cả nhân viên của mình nghỉ phép, trước khi đi tới quyết định cắt giảm 85% lực lượng lao động vào tuần trước. 

Tính tới thứ Hai (3/4), giá trị thị trường của Virgin Orbit chỉ còn khoảng 65 triệu USD.

Xem thêm >> Elon Musk: ‘Nếu thuận lợi, SpaceX sẽ đưa con người lên Sao Hỏa trong 5 năm tới’

Theo CNBC, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác