Tỷ phú Trịnh Văn Quyết: 'Mọi hoạt động sản xuất của Bamboo đã hanh thông'
Đức Thọ -
30/05/2020 17:38 (GMT+7)
(VNF) - “Bamboo hiện mở lại tới 90% đường bay tới các sân bay, về cơ bản mọi hoạt động sản xuất đều đã hanh thông. Đầu tháng 6/2020 sẽ phủ kín các đường bay”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways khẳng định.
Tại tọa đàm “Hàng không Việt trỗi dậy & Sự hồi phục nền kinh tế” diễn ra tại Khu nghĩ dưỡng FLC Quy Nhơn, Bình Định chiều 30/5, tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã trả lời rất tự tin nói về các hoạt động của Bamboo Airways.
"Có những khó khăn nào thì Bamboo đã kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không. Nhìn chung, Chính phủ và các bộ ngành đã vào cuộc quyết liệt giải quyết, tháo gỡ cho doanh nghiệp", ông Quyết nói.
Chủ tịch của FLC cũng cho hay, nếu nhu cầu đi lại của hành khách trở lại bình thường, thì ông tin trong tháng 6, chậm nhất tháng 7 Bamboo sẽ có số chuyến bay bằng trước dịch.
“Chúng tôi không ảnh hưởng nhiều thị trường quốc tế và chúng tôi tạo công ăn việc làm cho người lao động tốt”, ông Quyết nói.
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ đánh giá, hàng không Việt tới thời điểm này trụ được, "chòi đạp: để không chết là quá giỏi.
Ông Lịch ví von: Hàng không Việt như một cái cây héo lá, nhưng gốc rễ vẫn còn rất tốt, chỉ chờ cơn mưa là "chòi" lên.
Vị thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ nhận định: "Trời ban cho Việt Nam có chiều dài để phát triển nội địa và có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, gắn với nó là hệ thống sân bay nội địa. Trong lúc chờ phục hồi hàng không quốc tế thì hàng không nội địa cần ưu tiên.
"Cần phối hợp “tay ba”: hàng không – điểm du lịch – lữ hành để tạo các gói phát triển, xử lý những khó khăn mà tôi gọi là chòi đạp để trỗi dậy. Phải đột phá trong đột phá”, ông Lịch gợi ý.
Cùng với cách nhìn lạc quan và ghi nhận những nỗ lực từ cách phòng chống dịch Covid - 19, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, kinh tế thế giới được đánh giá là sẽ suy thoái nhanh và phục hồi nhanh khi trung tâm dịch ở châu Á. Hiện nay, trung tâm dịch ở châu Âu, khu vực Đông Bắc Á đã bình ổn trở lại, các chuyên gia nhận định, kinh tế thế giới sẽ phục hồi không nhanh, mất vài ba năm. Tuy nhiên, Việt Nam không suy thoái kinh tế mà suy giảm tăng trưởng.
"Chúng ta đã dập dịch nhanh vì vậy cần tận dụng cơ hội phục hồi kinh tế cùng khu vực Đông Bắc Á. Việt Nam phục hồi nhanh nhờ cầu nội địa và cầu thế giới, hy vọng mở cửa nhanh cùng Hồng Kông và Singapore".
"Nhìn lên bầu trời sẽ thấy cầu nội địa phát triển tốt, đây là lợi thế của ngành hàng không. Bầu trời sạch, dịch bệnh sạch rồi, chúng ta chỉ cần kích cầu. Chúng ta đã có bài học từ chính phủ Mỹ, Nhật Bản về kích cầu du lịch. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có giải pháp ở mức hạn chế vì sợ dịch bệnh kéo dài, tung hết giải pháp thì sau không còn gì để tung", TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, sân bay, khu du lịch đông và đã trên 30 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Vì vậy, đây là cơ hội lớn của du lịch và hàng không để kích cầu và phát triển trở lại.
Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục hàng không Việt Nam
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không khẳng định: “Hàng không không chết yểu vì dịch bệnh”.
Ông Cường cho rằng, chúng ta phải sẵn sàng khi kiểm soát được dịch bệnh, khi các rào cản và lệnh cách ly được dỡ bỏ.
“Chưa biết chắc khoảng thời gian đó là bao giờ nhưng chúng tôi đang trăn trở tìm các giải pháp, sáng kiến tìm các đường bay vận chuyển hành khách bình thường như trước Covid -19.
Hiện để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các hãng và đồng hành các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không, Cục Hàng không tạo điều kiện tối đa theo nhu cầu, không hạn chế về tần suất. Trừ trường hợp Tp. HCM và Nội Bài vì gặp nhiều khó khăn trong việc cất hạ cánh. Nguyên nhân do đội tàu bay đậu chờ chưa thể giải phóng sân đỗ.
Nhu cầu nội địa đã có sự phát triển và trỗi dậy. Chờ xếp hàng trong niềm vui vì chúng ta đã nhìn thấy được hình bóng hàng không khi chưa có dịch.
“Hiện có những đường bay đã đạt 80%. Nếu tổng thị trường chưa có khách quốc tế thì chưa đạt 50%. Nếu tổng thể thôi trường thì còn rất nhiều khó khăn. Mong chờ hết dịch bệnh, mở cửa thì mới hy vọng tăng trưởng”, ông Cường nói thêm.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.