Ưa thích thanh khoản là gì?

Thanh Hằng - 25/09/2018 16:57 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Ưa thích thanh khoản (liquidity preferences) là gì?

VNF
Ưa thích thanh khoản (liquidity preferences) là việc mọi người ưa thích giữ tiền hơn là đầu tư nó vào cổ phiếu, trái phiếu. Keynes sử dụng thuật ngữ này để phân tích động cơ giữ tiền của công chúng.

Ưa thích thanh khoản (liquidity preferences) là việc mọi người ưa thích giữ tiền hơn là đầu tư nó vào cổ phiếu, trái phiếu. Keynes sử dụng thuật ngữ này để phân tích động cơ giữ tiền của công chúng. Ông đã chỉ ra 3 loại động cơ giữ tiền:

  • Động cơ giao dịch: Nhu cầu giữ tiền để thanh toán các khoản mua sắm hàng hóa và dịch vụ.
  • Động cơ dự phòng: Nhu cầu giữ tiền để thanh toán các khoản chi tiêu bất thường, không lường trước được.
  • Động cơ đầu cơ: Nhu cầu giữ tiền với suy đoán rằng giá các tài sản khác giảm. Các nhà kinh tế còn gọi đây là động cơ đầu cơ vì khi dự kiến giá tài sản giảm, mọi người giữ tiền nhiều hơn, đợi đến khi giá các tài sản giảm, họ sẽ mua chúng với hy vọng tương lai giá của chúng lại tăng và có thể bán đi để ăn chênh lệch giá. Như vậy, loại động cơ giữ tiền này gắn với hoạt động đầu cơ.
    Theo phân tích của Keynes, lượng tiền mà mọi người mong muốn nắm giữ hay nhu cầu về tiền phụ thuộc vào thu nhập, tính bất định và lãi suất.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thuyết ưa thích tính thanh khoản là một trong những lý luận liên quan đến nhu cầu tiền tệ mà John Maynard Keynes đã giới thiệu trong tác phẩm nổi tiếng của mình là "Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ" và trở thành một trong những lý luận quan trọng của kinh tế học Keynes.

Nội dung của lý thuyết này là người ta chia nhu cầu về tiền mặt thành hai bộ phận chính. Một bộ phần là nhu cầu tiền mặt cho giao dịch. Lượng cầu tiền mặt này là hàm số thuận của thu nhập. Con người kinh tế điển hình hễ có thu nhập nhiều hơn thì tiêu dùng nhiều hơn. Bộ phận còn lại là nhu cầu tiền mặt cho mục đích đầu cơ. Lượng cầu tiền mặt thứ hai này là hàm số nghịch của lãi suất. Lãi suất càng hấp dẫn thì người ta càng ít giữ tiền mặt. Lãi suất kém hấp dẫn thì có xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn. Nói cách khác, lãi suất chính là cái giá để người ta hy sinh sự ưa chuộng tính thanh khoản của tiền mặt.

Phần thu nhập kiếm được nếu không đem tiêu dùng mà để đấy dưới dạng tiền mặt thì không sinh lời. Muốn nó sinh lời thì phải đem đầu tư vào đâu đó, chẳng hạn mua chứng khoán. Giữ tiền mặt thì có cái lợi là tính tính thanh khoản cao. Còn nếu mua chứng khoán thì lại được cái lợi là sinh ra lợi nhuận. Những người lạc quan thì dự tính giá chứng khoán lên (lãi suất giảm) sẽ từ bỏ tiền mặt và mua chứng khoán. Những người bi quan thì dự tính giá chứng khoán giảm (lãi suất tăng) sẽ bán chứng khoán đang giữ đi và nhận tiền mặt về. Chứng khoán sẽ di chuyển từ tay người bi quan sang tay người lạc quan. Giá chứng khoán rốt cục cùng bị quy định bởi cả những người lạc quan mua vào và những người bi quan bán ra. Và lãi suất cũng bị quy định cùng bởi mức độ thích tiền mặt của hai loại người này.

Cùng chuyên mục
Tin khác