Vẫn bám trụ ở Nga, doanh nghiệp phương Tây đang chơi ‘canh bạc đầy rủi ro’
Đăng Phạm -
08/08/2023 09:24 (GMT+7)
(VNF) - Phân tích của Financial Times (FT) cho thấy các công ty lớn nhất của châu Âu hoạt động tại Nga đã chịu thiệt hại trực tiếp ít nhất 100 tỷ euro (gần 110 tỷ USD) kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra. Theo bà Anna Vlasyuk, nhà nghiên cứu tại KSE, các công ty hiện đang hoạt động ở Nga đang tham gia một canh bạc đầy rủi ro.
Tổn thất lớn
Sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine đầu năm ngoái, nhiều công ty toàn cầu đã nhanh chóng phản ứng. Trong đó, một số đã “tháo chạy” khỏi Nga trước áp lực từ các nhà đầu tư và người tiêu dùng, một số khác cho biết sẽ giảm nhập khẩu hàng Nga hoặc giảm đầu tư mới vào nước này.
Các doanh nghiệp nước ngoài đã giảm hoặc rao bán tài sản gồm các nhà máy, công ty năng lượng, nhà máy điện trị giá hàng tỷ USD tại Nga.
FT đã tiến hành khảo sát các báo cáo tài chính năm 2023 của 600 công ty châu Âu làm ăn tại thị trường Nga cho thấy 176 trong số này đã phải đối mặt với các khoản lỗ lớn do việc chuyển nhượng, đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Nga.
Con số tổng hợp không bao gồm các tác động kinh tế vĩ mô gián tiếp như chi phí năng lượng và hàng hóa tăng lên.
Các doanh nghiệp bị thua lỗ nhiều nhất là ở các lĩnh vực như năng lượng và tiện ích. Trong đó, ba công ty dầu khí lớn của châu Âu là BP, Shell và TotalEnergies, phải chịu khoản lỗ lên tới 40,6 tỷ euro (44,6 tỷ USD).
Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô và tổ chức tài chính từ các nước thành viên EU cũng bị suy giảm mạnh tài sản. Theo đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiện ích đã bị ảnh hưởng trực tiếp 14,7 tỷ euro, trong khi các công ty công nghiệp, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô, đã phải chịu một khoản lỗ tới 13,6 tỷ euro. Các công ty tài chính bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty đầu tư thì mất tới 17,5 tỷ euro.
Vướng loạt rào cản
Hàng loạt công ty phương Tây đã tuyên bố rời khỏi Nga nhằm phản ứng với chiến sự tại Ukraine. Làn sóng này tạo ra thách thức lớn đến mức Điện Kremlin đã tung ra loạt biện pháp để ngăn cản làn song tháo chạy này, như buộc họ phải xin phép nhà nước nếu muốn bán tài sản, tịch thu tài sản và cấm các ngân hàng nước ngoài hay các công ty năng lượng bán cổ phần nếu chưa được Tổng thống Vladimir Putin chấp thuận.
Cập nhật mới nhất của Yale vào ngày 7/8 cho thấy chỉ hơn một nửa trong số 1.000 công ty cam kết rời khỏi Nga đã tìm cách cắt đứt hoàn toàn với nước này. Các công ty châu Âu vẫn hiện diện ở Nga bao gồm UniCredit của Ý, Raiffeisen của Áo, Nestlé của Thụy Sĩ và Unilever của Anh…
Chia sẻ với FT, ông Nabi Abdullaev, đối tác tại công ty tư vấn chiến lược Control Risks, cho hay: "Ngay cả khi một công ty mất rất nhiều tiền khi rời khỏi Nga, thì những công ty ở lại có nguy cơ tổn thất lớn hơn nhiều. Hóa ra “tháo chạy” là chiến lược tốt nhất cho các công ty khi chiến sự nổ ra. Bạn rời đi càng nhanh, tổn thất của bạn càng thấp".
Theo hãng tin Bloomberg, hồi tháng 4 năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh về quyền kiểm soát nhà nước “tạm thời” đối với tài sản của các doanh nghiệp hoặc cá nhân đến từ các quốc gia “không thân thiện” với Nga, bao gồm Mỹ và đồng minh của Mỹ. Moscow nói rằng động thái này nhằm đáp trả hành động tương tự, hoặc đe doạ hành động tương tự, của các quốc gia đó.
Mới đây nhất, Điện Kremlin đã tạm thời quốc hữu hóa tài sản của 2 công ty sản xuất thực phẩm và bia lớn. Theo đó, tất cả cổ phần nước ngoài của Danone Russia do công ty mẹ ở Pháp kiểm soát và nhà máy bia Baltika do tập đoàn Carlsberg của Đan Mạch kiểm soát đã được bàn giao cho Cơ quan Quản lý Tài sản Liên bang Nga theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Trước đó, Nga đã giành quyền kiểm soát các công ty dịch vụ tiện ích thuộc sở hữu của công ty Hà Lan Fortum và công ty Đức Uniper. Vài ngày sau, cả hai công ty này đều có lãnh đạo mới là những người làm việc trong hãng dầu lửa quốc doanh Rosneft của Nga - công ty có Chủ tịch là ông Igor Sechin, một đồng minh thân cận của ông Putin.
Loạt động thái này khiến các chuyên gia lo ngại rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể gây khó khăn hơn nữa cho các công ty muốn rời khỏi Nga. Luật này có thể bổ sung vào số lượng các biện pháp trừng phạt ngày càng tăng mà chính quyền của Putin đã đưa ra để chống lại các công ty đang tìm cách ngừng hoạt động ở nước ông.
Trước đó, Bộ Tài chính Nga tháng 12/2022 công bố một số biện pháp chống lại các nhà đầu tư từ "các quốc gia không thân thiện" bán tài sản, trong đó có chiết khấu 50% trên giá bán và đánh thuế 10%. Một loạt các biện pháp pháp lý kéo dài cũng đã hạn chế tốc độ rút tiền của các công ty.
"Người tiêu dùng Nga vẫn muốn mua những sản phẩm mà họ quen thuộc, với các nhãn hiệu phương Tây. Mọi người biết rằng không gì có thể thay thế được một chiếc BMW, Mercedes hay điện thoại iPhone", ông Ivan Fedyakov, chuyên gia từ công ty nghiên cứu thị trường INFOLine, cho hay.
Bà Anna Vlasyuk, nhà nghiên cứu tại KSE cho rằng các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ở Nga đang tham gia “một canh bạc rủi ro cao”. Hiện tại, các công ty phương Tây ở Nga không thể chuyển lợi nhuận khỏi nước này vì chưa có sự cho phép từ Moscow. Việc bán tài sản cũng đòi hỏi phải có sự phê chuẩn của chính quyền Nga và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone