Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Sau nhiều năm, tranh chấp giữa Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) và Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) đã khép lại với phần thắng thuộc về Hòa Bình nhờ phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Tòa án nhân dân TP. HCM.
Tuy nhiên, sau khi phán quyết của VIAC được công bố, FLC đã lên tiếng cho rằng rất nhiều nội dung, tài liệu và chứng cứ của tập đoàn này đã không được xem xét một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan và công bằng.
FLC cũng “tố” VIAC và Tòa án nhân dân TP. HCM đã bỏ qua yêu cầu triệu tập công ty kiểm toán và kiểm toán viên trực tiếp thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2017, 2018, 2019 của FLC để làm rõ về giá trị của "Thư xác nhận công nợ phải trả" và số dư nợ đối với Hòa Bình.
Xem thêm: Bị xử thua trong vụ kiện với Hòa Bình, FLC đã 'phản pháo' VIAC như thế nào?
Để hiểu rõ hơn về việc giải quyết tranh chấp cũng như giải đáp những tồn nghi về phán quyết của VIAC, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ánh Dương - Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký VIAC:
- VIAC có quan điểm gì trước sự phản đối phán quyết vụ kiện của Tập đoàn FLC?
Ông Vũ Ánh Dương: Cho tới thời điểm này, VIAC chưa nhận được bất cứ ý kiến chính thức nào của Tập đoàn FLC hay Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình liên quan tới vụ tranh chấp đã giải quyết tại VIAC cũng như các thủ tục tố tụng của vụ tranh chấp này.
Xét về quy định pháp luật, khoản 5, Điều 61 Luật Trọng tài thương mại quy định rõ “Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành”. Luật Trọng tài thương mại cũng cho phép một bên có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét hủy phán quyết trọng tài.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng các căn cứ để tòa án hủy phán quyết trọng tài mà luật quy định chỉ giới hạn trong phạm vi rất hạn chế, cả về thủ tục (xem xét có mất quyền phản đối phán quyết trọng tài hay không? yêu cầu hủy có đưa ra trong thời hạn cho phép hay không?) và cả về căn cứ (thông thường phải là các vi phạm nghiêm trọng về tố tụng hoặc các vi phạm đối với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật).
Trên thực tế, sau khi nhận được phán quyết trọng tài, Tập đoàn FLC đã nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và đã được Tòa án nhân dân TP. HCM thụ lý và xem xét giải quyết.
VIAC thấy rằng quyền yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là quyền của các bên đã được quy định tại Luật Trọng tài thương mại. Do đó, việc Tập đoàn FLC lựa chọn sử dụng quyền này và Tòa án nhân dân TP. HCM tiến hành các thủ tục theo luật định để giải quyết các yêu cầu của Tập đoàn FLC là hoàn toàn hợp pháp.
Trong vụ việc này, sau khi xem xét, tòa án đã tuyên không chấp nhận các yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của FLC. Khi tòa án đã xem xét và ra quyết định thì theo khoản 10 Điều 71 Luật Trọng tài Thương mại, quyết định của toà án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.
- Có hay không việc VIAC không xem xét một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, công bằng các tài liệu, chứng cứ của FLC trong quá trình giải quyết vụ kiện - như FLC đã phản ánh?
Theo thông tin từ hội đồng trọng tài cũng như việc rà soát lại quá trình tố tụng trọng tài, chúng tôi chưa thấy có ý kiến của bất cứ bên nào trong vụ tranh chấp về vấn đề hội đồng trọng tài đã không khách quan hay không công bằng trong giải quyết tranh chấp.
Luật Trọng tài thương mại quy định VIAC thực hiện chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế và hỗ trợ trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng cũng như các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài; hội đồng trọng tài thực hiện nhiệm vụ giải quyết tranh chấp.
Như vậy, việc thu thập, xem xét, đánh giá chứng cứ mà các bên đã đệ trình trong quá trình tố tụng của vụ kiện được thực hiện bởi hội đồng trọng tài theo quy định của pháp luật và Quy tắc VIAC.
Với vai trò là đơn vị điều phối thủ tục tố tụng trọng tài, chúng tôi luôn đảm bảo các hội đồng trọng tài thực hiện việc giải quyết tranh chấp theo đúng thỏa thuận của các bên, phù hợp với quy định tại Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC cũng như Luật Trong tài thương mại. Đặc biệt, các trọng tài viên phải hoàn toàn độc lập, vô tư, khách quan và đảm bảo quyền của các bên trong tố tụng trọng tài.
Theo thông tin từ phía hội đồng trọng tài, trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên đã được tạo điều kiện để cung cấp, cho ý kiến về tài liệu chứng cứ, thống nhất không phản đối về tính xác thực của tất cả các tài liệu được các bên nộp trong quá trình tố tụng trọng tài, xác nhận các sự kiện, nội dung được nêu trong các tài liệu này, và các bên đều đề nghị hội đồng trọng tài xem xét là chứng cứ để giải quyết vụ tranh chấp. Như vậy các bên đã có đầy đủ cơ hội để trình bày và bảo vệ mình tại trọng tài
- “Thư xác nhận công nợ phải trả” đối với Hòa Bình, như quan điểm của FLC, chỉ là con số tạm tính. Vậy dựa vào con số tạm tính để phán quyết thì có hợp lý không? Đâu là cơ sở cho việc dựa vào con số tạm tính để ra phán quyết?
Như đã trao đổi ở trên, hoạt động thu thập, đánh giá chứng cứ thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài. Theo nguyên tắc bảo mật và dựa trên chức năng của mình, VIAC không đưa ra các bình luận đối với các nhận xét của các bên về cách thức hội đồng trọng tài đã đánh giá chứng cứ hay kết luận của hội đồng trọng tài về một chứng cứ cụ thể.
Tuy nhiên, khi tham dự các phiên xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Tòa án nhân dân TP. HCM, chúng tôi được biết rằng vấn đề này cũng đã được Tập đoàn FLC đưa ra trước tòa như là một căn cứ để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Như đã biết, ngày 9/3/2021 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. HCM đã tuyên không chấp nhận yêu cầu của Tập đoàn FLC và do đó tuyên không hủy phán quyết trọng tài.
- VIAC có thể chia sẻ về cách thức xem xét các tài liệu trong quá trình giải quyết vụ kiện?
Chúng tôi không thể đi sâu vào chi tiết cụ thể việc thu thập và đánh giá chứng cứ mà hội đồng trọng tài đã thực hiện trong vụ tranh chấp này do các quy định về chức năng của VIAC cũng như nguyên tắc bảo mật của trọng tài.
Tuy nhiên, hoạt động thu thập và đánh giá chứng cứ của hội đồng trọng tài tại VIAC thường diễn ra theo các nguyên tắc như sau:
Về thẩm quyền, các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho hội đồng trọng tài để chứng minh các sự việc có liên quan đến nội dung đang tranh chấp.
Về cách thức thu thập, hội đồng trọng tài có thể, bằng thẩm quyền của mình, yêu cầu chính các bên trong tranh chấp cung cấp chứng cứ; có thể xác minh sự việc từ người thứ ba; có thể yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, có thể trưng cầu ý kiến chuyên gia, giám định… Ngoài ra, hội đồng trọng tài có thể yêu cầu sự hỗ trợ của tòa án để thu thập chứng cứ.
Về đánh giá chứng cứ, Luật Trọng tài thương mại không có quy định chi tiết đối với hoạt động đánh giá chứng cứ. Các hội đồng trọng tài tại VIAC xem xét tất cả các chứng cứ theo đúng các nguyên tắc được chấp nhận rộng rãi trong khoa học xét xử dân sự (tính hợp lệ/hợp pháp, tính liên quan và sức nặng/tính chứng minh sự việc của chứng cứ đó) và theo thực tiễn trọng tài quốc tế.
Đối với mỗi yêu cầu, quan điểm của các bên tranh chấp, hội đồng trọng tài tại VIAC luôn được yêu cầu xem xét và quyết định dựa trên: các quy định của pháp luật và thoả thuận của các bên; toàn bộ các chứng cứ đã được thu thập và đệ trình tới hội đồng trọng tài trong quá trình tố tụng trọng tài; ý kiến đối chất và tranh luận tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp (phiên xử).
Điều này là để đảm bảo tất cả các chứng cứ, các ý kiến, giải trình của cả hai bên đều được xem xét khách quan, toàn diện; nhất là các vấn đề đã thống nhất và được các bên thừa nhận rõ trong các biên bản lập tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.
- Vậy VIAC giải thích ra sao trước cáo buộc của FLC về việc bỏ qua yêu cầu triệu tập công ty kiểm toán và kiểm toán viên để làm rõ giá trị của “Thư xác nhận công nợ phải trả”?
Trước hết, cần hiểu rõ “yêu cầu triệu tập” một bên thứ ba (không phải là các bên ký thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài) được điều chỉnh bởi Điều 47 Luật Trọng tài thương mại.
Cụ thể, theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết, hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do hội đồng trọng tài phân bổ.
Như vậy, Luật Trọng tài thương mại đã nêu rất rõ ràng các điều kiện để hội đồng trọng tài thực hiện thẩm quyền triệu tập người làm chứng, đó là: khi có yêu cầu từ một hoặc các bên; và hội đồng trọng tài thấy rằng việc người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp là cần thiết.
Tất cả các hội đồng trọng tài tại VIAC khi thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ từ người làm chứng đều phải tuân thủ quy định trên về việc triệu tập người làm chứng, bao gồm cả hội đồng trọng tài trong vụ tranh chấp giữa FLC và HBC.
Quyết định không triệu tập công ty kiểm toán và kiểm toán viên thuộc thẩm quyền của hội đồng trọng tài và do đó, với chức năng là tổ chức điều phối tố tụng trọng tài, VIAC không can thiệp và cũng không đưa ra nhận xét về vấn đề này.
Theo quan sát của chúng tôi, tại phiên toà xét đơn yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài ngày 9/3/2021, Tập đoàn FLC cũng có nêu ra vấn đề này và Viện kiểm sát cũng như hội đồng xét đơn của tòa án đã nêu quan điểm cho rằng việc hội đồng trọng tài không triệu tập công ty kiểm toán/kiểm toán viên là đúng pháp luật.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.