Vinalines: 'Chính thức đổi thương hiệu thành VIMC, vận hành mô hình công ty cổ phần'

Đinh Tịnh - 13/08/2020 09:57 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho biết: "Hôm nay (ngày 13/8), Tổng công ty chính thức Đại hội cổ đông lần đầu, đây là một sự kiện quan trọng để tiến hành chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Tại đại hội, chúng tôi sẽ chính thức đổi thương hiệu Vinalines thành VIMC, một biểu tượng mới hy vọng đem lại cách làm việc mới đưa Vinalines vươn ra biển lớn".

VNF

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, việc đổi tên viết tắt được lãnh đạo Tổng công ty khởi động từ hơn 1 năm qua khi cái tên Vinalines dường như là "vận xui" chưa hấp dẫn các nhà đầu tư lớn.

Ví dụ, trong thời gian chào bán cổ phần ra công chúng, Vinalines "ế khách" khi rất ít nhà đầu tư lớn quan tâm. Đến hết ngày 12/7/2018 (thời gian hết hạn đăng ký nhà đầu tư chiến lược), Tổng công ty chỉ nhận được duy nhất hồ sơ của Công ty TNHH SK Securities (Hàn Quốc) đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, bản thân hồ sơ của SK Securities cũng không đáp ứng đủ điều kiện về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, do vậy không đủ điều kiện được lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược của Vinalines.

Do thất bại trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nên vào đầu tháng 8/2018, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) - khi đó vẫn sắm vai đại diện chủ sở hữu đã phải điều chỉnh số lượng cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng. Cụ thể, chuyển số lượng cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hoá thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng.

Ông Lê Anh Sơn cho biết, việc thực hiện phương án cổ phần hoá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng Công ty thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, bán đấu giá cổ phần ra công chúng (vào ngày 5/9/2018 tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội) và bán cổ phần cho người lao động. Theo đó, Vinalines đã hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu trong tháng 10/2018.

"Kết quả chào bán 491,6 triệu cổ phần, nhưng chỉ bán được 6,37 triệu cổ phần (trong đó, 5,4 triệu cổ phần bán công khai ra công chúng; bán cho người lao động là 453.800 cổ phần; số cổ phần bán cho công đoàn là 500.000 cổ phần", ông Lê Anh Sơn nói.

Như vậy, nếu so sánh con số chào bán với con số bán được của Vinalines là quá nhỏ, hơn thế nữa, sau khi chào bán cổ phần xong, Vinalines vấp phải nhiều khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

Vì thế, đến ngày 16/6/2020, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 277/QĐ - UBQLV điều chỉnh quy mô và cơ cấu vốn điều lệ theo kết quả bán cổ phần lần đầu của Công ty mẹ - Vinalines.

Theo đó, vốn điều lệ của Công ty mẹ - Vinalines được điều chỉnh giảm chỉ còn 12.005,88 tỷ đồng so với mức 14.046 tỷ đồng được quy định tại Quyết định số 751/QĐ - TTg ngày 20/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Vinalines.

Do vốn điều lệ của Công ty mẹ giảm, dẫn tới quy mô cổ phần phát hành lần đầu giảm tương ứng, chỉ còn 1.200.588.000 cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó Nhà nước nắm giữ 1.194.213.300 cổ phần, chiếm 99,469% vốn điều lệ.

Theo ông Lê Anh Sơn, không chỉ khó khăn do vận tải biển giảm sút do nền kinh tế suy thoái trước đó, ngành hàng hải lại gặp ngay cơn “sóng thần” Covid-19 khiến thị trường bị đứt gãy, vận tải biển lao dốc, dịch vụ logistic khó khăn… Vì thế, Tổng công ty đã 6 lần thay đổi thời gian Đại hội cổ đông để chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.

"Hôm nay, việc Tổng Công ty thực hiện thành công Đại hội cổ đông lần đầu là dấu mốc quan trọng, đánh giá sự chuyển đổi vai trò chính thức sang Công ty cổ phần, đồng thời, với thương hiệu mới VIMC sẽ tăng sức sống cho Công ty mẹ, sẵn sàng đưa VIMC vượt "đại hồng thuỷ" Covid-19 vươn ra biển lớn", ông Lê Anh Sơn nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác