Xu hướng trả mặt bằng kinh doanh đang tăng tại TP. HCM

Bích Thảo - 28/05/2020 14:25 (GMT+7)

(VNF) - Trong lúc toàn thị trường đang tái thiết lập trạng thái bình thường mới, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa chống dịch hiệu quả, thì làn sóng trả mặt bằng kinh doanh tại TP. HCM vẫn đang tăng lên, bất chấp việc giá cho thuê mặt bằng đã được giảm từ 10% đến trên 50% trong tháng 3-4 vừa qua.

VNF
Xu hướng trả mặt bằng kinh doanh đang tăng tại TP. HCM. (Ảnh: VnExpress)

Lượng khách giảm nghiêm trọng

Cuối tháng 5/2020, hệ thống nhà thuốc Long Châu thuộc tập đoàn FPT đã gửi thư đàm phán với các chủ cho thuê mặt bằng, đề nghị giảm giá 50% trong vòng 6 tháng.

Y tế vốn được xem là ngành nghề không chịu tác động bởi dịch Covid-19, thậm chí đây còn được coi là ngành "hốt bạc" trong đại dịch. Kết quả kinh doanh quý I/2020 của Long Châu cũng khá tốt với doanh thu 239 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới các nhà thuốc theo hướng không thể ngờ tới.

Trong thư đề nghị hỗ trợ giảm chi phí tiền thuê mặt bằng, bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc hệ thống nhà thuốc Long Châu, cho biết đơn vị này "bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì nguồn cung cấp các mặt hàng về thuốc, khẩu trang, nước rửa tay… rất khan hiếm. Lượng khách đến giao dịch tại các cửa hàng từ thời điểm xảy ra dịch đến nay bị suy giảm nghiêm trọng trên toàn hệ thống”.

Bà Điệp nhấn mạnh: “Tiền thuê nhà là hạng mục đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, cần được cắt giảm xuống mức hợp lý. Nếu không, chúng tôi sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn nhất là đóng cửa hoạt động vì điều kiện bất khả kháng từ đại dịch”.

Nhưng Long Châu không phải là trường hợp duy nhất. Ghi nhận của VietnamFinance cho thấy nhiều chủ kinh doanh hiện nay đang chia sẻ chung một tình trạng là vắng khách.

Lựa chọn tốt nhất của các chủ kinh doanh lúc này là trả lại mặt bằng, chờ đợi cho đến khi tình hình tốt hơn, nếu chủ nhà còn mặt bằng trống thì quay lại, không thì sẽ tìm mặt bằng khác.

Thực tế đang cho thấy, trên các tuyến đường sầm uất tại quận trung tâm TP. HCM như Nguyễn Trãi, Lý Tự Trọng, Hai Bà Trưng, Hồ Văn Huê, Cách Mạng Tháng Tám… rất nhiều mặt bằng kinh doanh treo bảng cho thuê mặt bằng hoặc đơn giản chỉ là số điện thoại liên hệ thuê mặt bằng.

Các shophouse ở các khu chung cư cũng trong tình trạng cửa đóng then cài. Bảng hiệu cho thuê xuất hiện dày đặc. Nhiều quán cà phê, trà sữa, nhà hàng, cửa hàng thời trang… đua nhau trả mặt bằng sau những ngày giãn cách xã hội vì không cầm cự nổi.

Hầu hết chủ các mặt bằng cho thuê hiện nay không còn hét giá như trước mà chủ động giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái, ít ràng buộc về thời hạn thuê hay điều kiện thanh toán. Mặc dù vậy việc tìm được khách thuê cũng không dễ bởi chưa biết khi nào kinh tế mới bình thường trở lại.

Tại các trung tâm thương mại lớn tại TP. HCM, CBRE Việt Nam ghi nhận lưu lượng khách đến mua sắm giảm xấp xỉ 80% trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra. CBRE Việt Nam cho rằng nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý II/2020, nhiều khả năng tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm thương mại sẽ được giữ ổn định đến cuối năm.

Không kham nổi chi phí mặt bằng

Một khảo sát gần đây của CBRE Việt Nam cũng cho thấy 79% khách thuê lo lắng doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ xấu hơn; 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10-30% trong năm 2020.

Bên cạnh đó, 61% khách thuê chưa được nhận các hỗ trợ từ chủ nhà và 27% mong đợi các chủ nhà hỗ trợ nhiều hơn vì hoạt động kinh doanh của họ đang bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này dẫn tới tình trạng trả mặt bằng kinh doanh nhà phố sẽ diễn ra phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì dài hạn.

Trường hợp dịch bệnh kéo dài tới tháng 9 sẽ khiến tỷ lệ trống gian hàng ở trung tâm thương mại tăng mạnh. Nguồn cung tương lai tại TP. HCM có thể sẽ giảm 76% và chủ đầu tư chắc chắn phải tính đến bài toán giảm mức cho thuê nhưng tâm lý người kinh doanh trong thời điểm này lại khá e dè khi bỏ dòng tiền lớn ra để tái đầu tư, phục hồi kinh doanh.

Ở khía cạnh khác, người thuê nhà đang phải gánh đỉnh giá từ áp lực chi phí mặt bằng của năm 2019, mặt bằng nhà phố kinh doanh luôn có giá thuê tăng cao vượt giá bán. Cụ thể, khu vực quận 1, trong năm 2019 nếu giá bán chỉ tăng trung bình tầm 7-8% thì giá thuê tăng hơn 35%.

Tương tự, các địa bàn khác như quận 3, quận 10, quận 7, giá nhà phố tăng trung bình 15-25% trong khi giá cho thuê có nơi tăng từ 20-30%. Một số tuyến đường lớn, sầm uất còn ghi nhận mức tăng gần 50%. Không chỉ các khu vực mặt tiền đường lớn, mặt bằng cho thuê tại nhiều tuyến đường phụ cũng tăng 15-20%. Tình trạng này khiến nhiều người kinh doanh phải hoàn trả mặt bằng vì không thể cân đối bài toán thu chi.

So với 3 tháng đầu năm 2020, xu hướng điều chỉnh- chủ động giảm giá mặt bằng cho thuê đã xuất hiện, dù chưa phổ biến. Cụ thể một số chủ mặt bằng trên các tuyến đường lớn ở TP. HCM cũng đã chủ động giảm 20-30% giá cho thuê so với hồi cuối năm 2019 để giữ chân khách thuê. Và đây là giải pháp tạm thời chứ các chủ cho thuê nhà đều không xem đó là giá sẽ áp dụng cho cả năm 2020.

Như vậy, việc kinh doanh mặt bằng cho thuê đã bắt đầu khó khăn trong 3 tháng gần đây và dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong 2-3 tháng tới. Theo một công ty môi giới nhà, hiện nhiều người ký gửi cho thuê mặt bằng nhưng rất khó tìm được người thuê nếu giá thuê cao. Nếu không giảm thì phải chấp nhận để trống mặt bằng.

Vì vậy nhiều chủ nhà sẽ chấp nhận thương lượng giảm giá thuê tạm thời, có thể là chia sẻ gánh nặng với người thuê hay tránh để phí mặt bằng. Nhưng nếu tình hình khả quan hơn, việc thương lượng lại giá thuê sẽ tăng theo thị trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác