Ý tưởng mới quy hoạch khu kinh tế Đông Nam và sân bay Quảng Trị

Văn Tuân - Hoàng Hiệp - 09/09/2022 12:59 (GMT+7)

(VNF) - Các đơn vị tư vấn Singapore lên ý tưởng điều chỉnh quy hoạch là tăng diện diện tích khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào tỉnh đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo giai đoạn 2 ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và cảng hàng không Quảng Trị.

Theo Quyết định số 2148/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Quảng Trị được ban hành 20/12/2021, cảng hàng không Quảng Trị sẽ được xây dựng tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn là 5.822,9 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 4 tháng.

Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị (gọi tắt là khu kinh tế) đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1936/QĐ-TTg ngày 11/10/2016 với tổng diện tích đất tự nhiên là 23.792ha bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 17 xã, thị trấn phía Đông Nam của tỉnh Quảng Trị, thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh.

Sau 5 năm thực hiện, tỉnh Quảng Trị đã thu hút đầu tư và triển khai nhiều dự án động lực quan trọng như: trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (1.500MW), nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị 1 (1.200MW), nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Quảng Trị (340MW), cảng hàng không Quảng Trị, khu bến cảng Mỹ Thủy, khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, kho cảng Xăng dầu Hải Hà, kho cảng xăng dầu Việt Lào, trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics; đường trung tâm trục dọc khu kinh tế, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây... đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung và khu kinh tế nói riêng.

Hiện nay, trong khu kinh tế đã triển khai một số quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng như: khu công nghiệp đa ngành; khu phi thuế quan; khu dịch vụ, hậu cần cảng; khu đô thị; khu dịch vụ - du lịch; khu phức hợp năng lượng... với tổng diện tích 11.660ha/23.792ha, chiếm tỷ lệ khoảng 49% diện tích khu kinh tế. Ngoài ra, có một số quy hoạch do các sở, ngành và địa phương cấp huyện, xã triển khai như quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch chi tiết... Việc triển khai thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong khu kinh tế đã làm cơ sở thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần tăng thu ngân sách và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại nền kinh tế.

Tuy nhiên, sau khi rà soát thực trạng sử dụng đất, tình hình thu hút đầu tư cũng như định hướng xây dựng và phát triển khu kinh tế Đông Nam trong tình hình mới, Quảng Trị nhận thấy cần phải điều chỉnh.

Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn nước ngoài gồm Công ty Sakae Corporate Advisory Pte Ltd và Công ty Meinhardt Planners (Singapore) Pte Ltd trình bày ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị và định hướng phát triển khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch được duyệt, khu kinh tế gồm 4 phân khu chức năng: khu trọng tâm phát triển các dự án động lực (11469ha); khu phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển và đô thị (2221ha); khu phát triển đầu mối hạ tầng cấp vùng, trọng tâm là cảng hàng không sân bay Quảng Trị (3400ha); khu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dự trữ phát triển mở rộng vùng động lực (6702ha).

Ý tưởng đề xuất phân chia lại thành 4 khu chức năng gồm khu sân bay Quảng Trị (3936ha); khu du lịch sinh thái (6778ha); khu công nghiệp – năng lượng (7537ha); khu nông nghiệp & hỗn hợp (7106ha).

Định hướng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đề xuất thay đổi định hướng sân bay và hình thành đô thị sân bay gần TP Đông Hà, Quốc lộ 1A và hành lang kinh tế Đông Tây; hình thành các đảo du lịch sinh thái tạo sức mạnh tổng hợp với phát triển du lịch ven biển và sân bay; xác định các chiến lược phòng chống lũ lụt (ao giữ nước-hồ nhỏ, kênh mương) khi cần thiết; chuyển đổi các khu dự trữ sang công nghiệp để mở rộng công nghiệp và tạo ra các thị trấn dân cư nơi các khu dân cư hiện tại và các khu dân cư mới có thể phát triển một cách có kiểm soát…

Cùng chuyên mục
Tin khác