Tài chính

Bức tranh ngân sách 6 tháng: Vui là vui gượng kẻo là…

(VNF) – Bức tranh ngân sách 6 tháng đầu năm 2017 nổi bật lên những điểm đáng chú ý như thu từ khu vực kinh tế tư nhân gia tăng, bội chi suy giảm… Tuy nhiên, đó không hoàn toàn là những điểm sáng.

Bức tranh ngân sách 6 tháng: Vui là vui gượng kẻo là…

Bức tranh ngân sách 6 tháng đầu năm diễn biến theo xu hướng tiêu cực

Thu từ khối quốc doanh giảm mạnh

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kì năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 399,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,6% tổng thu. 

Mặc dù tỷ trọng thu nội địa có tăng lên tuy nhiên cơ cấu thu ngân sách nửa đầu năm 2017 đang chứa đựng những điểm đáng lo ngại.

Đầu tiên là sự sụt giảm mạnh của nguồn thu từ khu vực nhà nước. So với cùng kỳ năm 2015, tỷ trọng nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 22,4% xuống chỉ còn 16,4%. Trong khi đó, tỷ trọng nguồn thu từ khối doanh nghiệp tư nhân đã tăng từ 14,2% lên 15,8%. 

Điều này một mặt cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, nhưng mặt khác cũng phản ánh sự suy giảm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong vòng 3 năm qua.

Bức tranh ngân sách 6 tháng: Vui là vui gượng kẻo là… ảnh 1

Cơ cấu thu ngân sách - đối sánh 2 năm 2015 và 2017 

Bên cạnh đó, so với cùng kì năm 2015, cơ cấu thu ngân sách năm 2017 đang cho thấy sự gia tăng đáng kể của các khoản thu từ thuế phí. Cụ thể, tỷ trọng nguồn thu từ tiền sử dụng đất đã tăng từ 6% lên 8,9%; thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng từ 2% lên 3,3% vv…

Sự tăng lên của nguồn thu nội địa diễn ra trong bối cảnh nguồn thu từ dầu thô giảm mạnh cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2015, thu từ dầu thô đạt 32,6 nghìn tỷ đồng – chiếm 8% tổng thu, nhưng đến cùng kì 2017, con số này chỉ còn 21,1 nghìn tỷ đồng - chiếm 4,2%.

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu khai thác 12,28 triệu tấn dầu. Tuy nhiên để cứu vãn mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ đã quyết định tăng khai thác thêm 1 triệu tấn nữa.

Trả lời chất vấn Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng nói: "Chúng tôi nghĩ điều này sẽ tốt cho nền kinh tế chứ không đến mức khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước. Xin báo cáo để Quốc hội yên tâm". 

Giảm bội chi: Không có gì để vui

Điểm đáng chú ý trong bức tranh ngân sách 6 tháng đầu năm nay là bội chi đã giảm mạnh so với cùng kì 2015 (từ 95 nghìn tỷ đồng xuống còn 32,5 nghìn tỷ đồng).
Tuy nhiên, gốc rễ của việc giảm bội chi lại không đến từ việc giảm chi thường xuyên mà đến từ giảm chi đầu tư công. 

Cụ thể, chi thường xuyên 6 tháng đầu năm 2017 đạt 398,9 nghìn tỷ đồng – chiếm 74,7% tổng chi. Con số này cao hơn so với cùng kì 2 năm trước đó cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng (ở cùng kì năm 2016 là 363,4 nghìn tỷ đồng – chiếm 71,4%; ở cùng kì năm 2015 là 345,3 nghìn tỷ đồng – chiếm 68,8% tổng chi).

Trong khi tỷ trọng chi thường xuyên không ngừng tăng thì tỷ trọng chi đầu tư phát triển lại có bước lùi đáng kể. Cụ thể, chi đầu tư phát triển 6 tháng đầu năm 2015 là 80,8 nghìn tỷ đồng – chiếm 16,1% tổng chi, nhưng đến cùng kì 2017, tỷ lệ này chỉ còn 15,6%.

Sự suy giảm của chi đầu tư phát triển phản ánh thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công đang bị ách tắc. Điều này một cách trực tiếp làm gia tăng chi phí huy động vốn của Chính phủ. Nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ "chúng ta có tiền mà không tiêu hết được". 

Do vậy, việc giảm bội chi trong 6 tháng đầu năm đang là một tín hiệu tiêu cực và hoàn toàn không bền vững. Từ đây đến cuối năm, với việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân, tình trạng bội chi chắc chắn lại sẽ tăng vọt.

Điều đáng nói, trong bối cảnh chi thường xuyên liên tục gia tăng thì chi trả nợ của Chính phủ cũng đang ở mức ngất ngưởng. Tính đến thời điểm 15/6/2017, chi trả nợ gốc ước tính 88,1 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi khoảng 50 nghìn tỷ đồng. 

Các khoản chi này cho thấy áp lực trả nợ của Chính phủ đang ngày càng dâng cao. Nếu không có các biện pháp cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý, ngân sách nhà nước sẽ trở nên mất cân bằng một cách nghiêm trọng; nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển sẽ suy giảm hoặc phải tiếp tục vay nợ để bổ sung.

Bức tranh ngân sách 6 tháng cuối năm, do vậy, sẽ vẫn là một bài toán đau đầu cho nhà điều hành nếu muốn làm đẹp các báo cáo.

Tin mới lên