12 địa phương vào danh sách giám sát, Hòa Bình muốn làm 'thủ phủ sân golf'

Lệ Chi - 20/08/2023 13:54 (GMT+7)

(VNF) - Thường vụ Quốc hội đưa 12 địa phương vào danh sách giám sát về quản lý thị trường BĐS; Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, chủ đầu tư vẫn được vay vốn; Hòa Bình: Quy hoạch tới 40 sân golf, cam kết không dùng đất rừng; Tòa tháp nghìn tỷ bỏ hoang của VICEM hồi sinh... là những thông tin được quan tâm trong tuần.

VNF
Sẽ giám sát thị trường BĐS 12 địa phương, Hòa Bình muốn làm 'thủ phủ sân golf'

12 địa phương vào danh sách giám sát về quản lý thị trường BĐS

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch, đề cương của Đoàn giám sát của Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đoàn này sẽ thực hiện giám sát trực tiếp về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội tại 8 bộ, gồm: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Cùng đó, 12 địa phương, gồm Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng trong diện giám sát lần này. (Xem thêm)

Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, chủ đầu tư vẫn được vay vốn

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), cho biết tối 14/08, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà đã gửi thông tin cho HoREA. Theo đó Lãnh đạo NHNN giao cho Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho kiểm tra lại để trích dẫn cho đúng quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Kinh doanh bất động (nếu cần thiết).

Đến ngày 15/8, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần gửi thông tin cho Lãnh đạo HoREA xác nhận chủ đầu tư vẫn được vay tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu cho hay ngay sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã gửi thông tin cho HoREA xác nhận chủ đầu tư vẫn được vay dù dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh. Đồng thời cho biết sẽ cử cán bộ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo HoREA. (Xem thêm)

Tòa tháp nghìn tỷ bỏ hoang của VICEM hồi sinh

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dự án Toà tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (tháp Vicem - lô 10E6, khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Tháp Vicem được phê duyệt tại Quyết định số 01510 của Hội đồng thành viên VICEM vào tháng 9/2010 trên khu đất rộng hơn 8.500 m2, diện tích xây dựng là 2.800 m2, công trình gồm 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Mục tiêu xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại. (Xem thêm)

Hòa Bình: Quy hoạch tới 40 sân golf, cam kết không dùng đất rừng

Cổng thông tin Quy hoạch Quốc gia vừa đăng tải hồ sơ quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình rà soát sau thẩm định.

Đáng chú ý, trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tỉnh Hoà Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đưa ra kế hoạch phát triển sân golf và định hướng không gian sử dụng đất cho phát triển kinh tế ban đêm.

Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 21 sân golf dự kiến được phát triển, chủ yếu tập trung tại khu vực TP. Hòa Bình và các huyện Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi với tổng diện tích là 2.611 ha; giai đoạn 2031 - 2040 phát triển thêm 10 sân golf, và đến năm 2050 tiếp tục phát triển thêm 10 sân golf. Tổng số đạt khoảng 40 sân golf lớn nhỏ khác nhau. (Xem thêm)

Lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất: Chặn 'luật ngầm' 2 giá, hết thời khai gian trốn thuế

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nếu lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ góp phần tích cực vào việc chống thất thoát thuế cho nhà nước. Bởi lẽ quyền sử dụng đất hoạt động tốt sẽ chặn được tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật, mua bán nhà “2 giá”, lũng đoạn giá.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý việc giao dịch thông qua sàn giao dịch quyền sử dụng đất là khuyến khích hay bắt buộc? Nếu bắt buộc liệu có ngăn trở quyền tự do kinh doanh của người dân hay không? Nếu không bắt buộc, cần xây dựng cơ chế vận hành như thế nào để khuyến khích người dân tham gia?

Chỉ thành lập ra sàn giao dịch quyền sử dụng đất rồi để đó tự vận hành, hay có cần gắn thêm vào hoạt động của các môi giới để đảm bảo hoạt động qua sàn được sôi nổi không? Nếu có cần kiểm soát hoạt động của các đối tượng này như thế nào để đảm bảo không gây tiêu cực, đầu cơ, lũng đoạn cho thị trường? (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác