Ba Lan bắt cựu nhân viên an ninh vì làm gián điệp cho Trung Quốc

Thanh Tú - 16/01/2019 12:36 (GMT+7)

(VNF) - Bên cạnh giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan Vương Vĩ Tinh (Wang Weijing), giới chức Ba Lan ngày 8/1 cũng đã bắt giữ một cựu nhân viên an ninh với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc trong thời gian vẫn làm việc cho các cơ quan chính phủ của nước này.

VNF

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 15/1 đưa tin, cựu nhân viên an ninh vừa bị bắt có tên Piotr Durbajlo.

Theo hồ sơ LinkedIn, ông Durbajlo từng làm việc cho Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan và Văn phòng Liên lạc Điện tử cùng các cơ quan nhà nước khác của quốc gia Đông Âu này giai đoạn từ năm 2000-2017.

Thời điểm bị bắt giữ ngày 8/1, ông đang làm việc cho công ty viễn thông Orange Polska của Pháp với vai trò cố vấn an ninh mạng của chi nhánh hãng này tại Ba Lan.

Đại diện công ty cho hay cơ quan an ninh đã khám xét văn phòng của người này hôm 8/1, tịch thu những tài liệu và đồ dùng liên quan đến nghi can.

Giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan Vương Vĩ Tinh.

Nếu tội danh hoạt động gián điệp được thành lập thì ông Durbajlo có thể phải nhận án 10 năm tù.

Ở động thái liên quan mới đây, Huawei ngày 12/1 cho biết họ đã chấm dứt hợp đồng lao động với ông Vương Vĩ Tinh bị phía Ba Lan bắt giữ, cho biết hành động của người này "không liên quan đến công ty".

Tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times), ấn phẩm thực thuộc Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng và nhà nước Trung Quốc, ngày 14/1 có bài viết kêu gọi chính phủ nước này phản ứng mạnh với Ba Lan sau khi ông Vương bị bắt.

Tờ báo cho rằng “Ba Lan là tòng phạm của Mỹ” nên “cần phải trả giá vì sự xúc phạm Trung Quốc” tuy nhiên tờ báo không nêu rõ biện pháp Trung Quốc sẽ thực hiện đối với Ba Lan là gì.

Ông Piotr Durbajlo.

Nghi án lãnh đạo Huawei hoạt động gián điệp tại Ba Lan có thể làm trầm trọng thêm những chỉ trích của phương Tây nhắm vào tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc. Mỹ cáo buộc Huawei có liên hệ với chính phủ Trung Quốc trong khi nhiều nước phương Tây lo sợ những thiết bị điện tử của công ty này có thể là "cửa sau" cho tình báo Bắc Kinh.

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Joachim Brudzinski cho biết nước này muốn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, nhưng cũng cho rằng Liên minh Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên thống nhất về việc liệu có nên loại bỏ nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc khỏi thị trường hay không.

Xem thêm >> Cựu Tổng thống Mexico bị cáo buộc nhận hối lộ 100 triệu USD từ trùm ma túy Guzman

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác