Bất động sản 2023: Nhiều tín hiệu lạc quan sau một năm sốt nhanh hạ nhiệt sốc
Hồng Khanh -
23/01/2023 08:16 (GMT+7)
Thị trường bất động sản 2022 đi qua với nhiều thăng trầm, từ sốt đất cục bộ đến đóng băng. Dù thị trường bất động sản 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có nhiều điểm sáng.
Nhiều tín hiệu tích cực
Đầu năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, thị trường địa ốc đã “đảo chiều” rơi vào trạng thái trầm lắng.
Tại Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ “bong bóng” chuyển sang nguy cơ “suy thoái”, thiếu nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cho rằng, bất động sản 2023 sẽ có chuyển biến tích cực hơn, tâm lý nhà đầu tư hồi phục khi thị trường đã xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan.
Cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Việc nới hạn mức (room) tín dụng thêm 1,5-2%, sẽ có 240.000 tỷ đồng được cung ứng thêm cho nền kinh tế kể từ nay đến hết năm được xem là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản đang gặp khó.
Đánh giá về vấn đề này, trao đổi với báo chí, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV lạc quan rằng, động thái này sẽ tạo ra niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẵn sàng "xuống tiền" trở lại cũng như kích thích những dòng tiền khác tạo ra động thái tích cực trúng nhiều đích.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng. Điều này giúp chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng thực hiện chức năng chủ yếu là cung ứng vốn lưu động cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng tối đa không quá 30% nguồn vốn huy động ngắn hạn (tiền gửi tiết kiệm) để cho vay trung hạn, dài hạn theo lộ trình hạn chế dần tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản của Ngân hàng Nhà nước.
Tháng 11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản.
Trên cơ sở báo cáo tổng hợp đánh giá, đề xuất của Tổ công tác và Bộ Xây dựng, ngày 14/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.
Ngày 6/1 mới đây, Thủ tướng đã ký Nghị quyết 01 của Chính phủ để định hướng phát triển kinh tế xã hội của năm 2023, trong đó có những chủ trương để giải quyết vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu kỳ vọng, với những động thái phản ứng kịp thời của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc thành lập tổ công tác của Thủ tướng, đây sẽ là một tổ đặc nhiệm để một giai đoạn ngắn hạn xử lý ngay những vấn đề cấp bách.
Nhà ở xã hội đổ bộ nguồn cung, khơi thông thanh khoản
Nhà ở xã hội được đánh giá là một trong những điểm sáng sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2023 hồi phục và phát triển.
Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Bộ Xây dựng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 trên cả nước hoàn thành đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Giai đoạn 2021-2025, Bộ Xây dựng xác định mục tiêu 570.000 căn nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về sửa đổi các luật liên quan, qua đó cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội với nhiều chính sách ưu đãi. Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng nếu thực hiện được đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đang trình Thủ tướng xem xét phê duyệt thì nguồn cung và giá nhà ở xã hội sẽ phù hợp hơn.
Chuyên gia bất động sản cho rằng, đây sẽ là chìa khóa để giải bài toán thanh khoản cho thị trường. Phân khúc bình dân và trung cấp sẽ được quan tâm và phát triển mạnh mẽ bởi đây là phân khúc vẫn luôn có nhu cầu cao trên thị trường.
Nhận định về thị trường bất động sản 2023, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, mặc dù thị trường bất động sản vừa trải qua một quãng thời gian đầy khó khăn, thách thức; tuy nhiên, thị trường bất động sản năm 2023 có rất nhiều điều kiện, cơ hội để phát triển an toàn, lành mạnh.
Trong đó, các cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trong năm 2021-2022. Việc thành lập Tổ công tác để khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản cũng như những chính sách được ban hành trong thời gian tới sẽ giúp cho các địa phương, các doanh nghiệp xử lý được các tồn tại, khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản trong thời gian qua, đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, xây dựng nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone