Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

Anh Huy - 17/01/2023 07:52 (GMT+7)

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

VNF
Hy vọng nhiều dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới (Ảnh: Cao Nguyên).

Giai đoạn lửa thử vàng

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM - đánh giá, thị trường BĐS hiện nay đang cho thấy rõ sự lệch pha cung cầu. Nguồn cung thiếu hụt do liên tục sụt giảm từ năm 2018 đến nay. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thời gian qua phát triển mất cân đối.

Ông Châu dẫn chứng, tại TP. HCM hiện nay, rất khó để tìm thấy căn nhà có giá dưới 35 triệu đồng/m2, trong khi đó, có những BĐS siêu sang được đẩy giá lên tới 500-700 triệu đồng/m2.   

Tác động của dịch bệnh và những khó khăn từ kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 như lửa thử vàng góp phần thanh lọc và đo khả năng chống chịu của thị trường BĐS. Chính bối cảnh trầm lắng đã bộc lộ những khuyết điểm cần khắc phục, vướng mắc cần tháo gỡ để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn trong tương lai.   

Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, khó khăn về thanh khoản trong nhiều tháng qua là minh chứng cho thấy thị trường BĐS cần một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ. 

“Chúng ta phải thấy rằng, năm 2020, 2021 nền kinh tế rất khó khăn, giá BĐS vẫn tăng mạnh. Còn trong năm 2022, các doanh nghiệp cho rằng, thanh khoản giảm nhưng giá vẫn tăng liên tục. Chính điều này tạo nên sự bất thường đối với thị trường BĐS.

Do đó, việc tái thiết lại thị trường BĐS sẽ giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn. Quá trình tái cấu trúc để tránh nguy cơ bong bóng BĐS có thể hình thành, đảm bảo sự phát triển phân khúc nhà ở xã hội nhà ở giá rẻ, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận. 

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - cũng nhận định, việc vận hành trở lại thị trường rất quan trọng nhưng đồng thời chúng ta cần nhìn nhận tổng thể để có công cuộc cải cách với thị trường BĐS, tái cấu trúc, cải tổ để thị trường này thực sự bật dậy.

Những tín hiệu sáng

Thực tế, cuộc tái cấu trúc đang dần bộc lộ rõ trên thị trường BĐS thời gian gần đây. Bằng chứng là nhiều doanh nghiệp đã chủ động tinh gọn bộ máy, tập trung phát triển những dự án cần thiết, không phát triển dàn trải mà hướng mục tiêu vào phân khúc đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Điều này mang đến kỳ vọng phân khúc nhà ở xã hội, nhà giá rẻ, nhà ở công nhân sẽ gia tăng nguồn cung trong thời gian tới. 

Bước điều chỉnh này của các doanh nghiệp, theo đánh giá của giới chuyên gia là cơ hội tốt cho sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam, cụ thể là từ 5-10 năm tới chứ không chỉ riêng năm 2023. 

Còn với các nhà đầu tư, bối cảnh biến động lên xuống của thị trường đã tạo ra nhiều bài học, giúp loại bỏ dần tâm lý đầu tư theo đám đông, lướt sóng ăn chênh. Xu hướng của hiện nay là ăn chắc mặc bền, thận trọng nhưng không để lỡ mất cơ hội.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ chọn lựa được thời điểm xuống tiền đúng lúc và những dự án được chọn phải đảm bảo sự vững chắc về pháp lý cũng như chất lượng. 

Chính phủ đang có những động thái tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo ra những thay đổi căn bản để thị trường BĐS phục hồi và phát triển trở lại trong thời gian sớm nhất. Khi cuộc tái cấu trúc trên thị trường được thực hiện mạnh mẽ hơn, dòng tiền đầu tư quay trở lại, thị trường sẽ bước vào chu kỳ phát triển mới. 

“Về mặt chính sách, cần hướng tới lành mạnh hóa khu vực cao cấp, đầu cơ và phát triển phân khúc phục vụ nhu cầu thực. Việc cải tổ chính sách sẽ theo định hướng thị trường, song song với thực hiện tái cấu trúc các doanh nghiệp BĐS” - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh. 

Theo LĐO
Cùng chuyên mục
Tin khác