Dù không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn phân lô, bán nền đã gây nên tình trạng hỗn loạn và để lại nhiều hệ lụy cho chính quyền trong quản lý đất đai.
Từ nhiều năm nay, thị trường bất động sản ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ diễn biến rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân dù không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn tổ chức phân lô, bán nền đã gây nên tình trạng hỗn loạn và để lại nhiều hệ lụy cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, sử dụng đất đai.
Trong đó, Tập đoàn địa ốc Alibaba, từ năm 2017 đến nay, đã tự vẽ ra nhiều dự án ‘ma” với hàng trăm hecta đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và mới đây là tỉnh Bình Thuận... Sau đó, rao bán công khai trên trang web của Alibaba và trên mạng xã hội. Thực tế này không chỉ gây bức xúc, lo lắng cho các cấp chính quyền địa phương và người dân mà đang đẩy các cơ quan chức năng vào thế khó khi qui hoạch sử dụng đất đai bị phá vỡ và sự rủi ro, tiền mất, tật mang của các nhà đầu tư và đông đảo người dân.
Tập đoàn địa ốc Alibaba đã tự vẽ ra nhiều dự án ‘ma” với hàng trăm hecta đất nông nghiệp
Gần 2 tuần nay, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải khiên cưỡng trở thành một “điểm nóng” khi chính quyền ở đây tổ chức cưỡng chế việc vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai của Tập đoàn địa ốc Alibaba. Quá trình cản trở, chống đối chính quyền, đoàn người mang áo Alibaba đã dùng loa để kích động, lăng mạ, xúc phạm những người thi hành công vụ. Vụ việc được đẩy lên đến mức, buộc cả trăm cảnh sát phải đến để vãn hồi trật tự, việc cưỡng chế mới đảm bảo an toàn. Kết thúc vụ cưỡng chế, 2 nhân viên địa ốc Alibaba bị tạm giữ hình sự và sau đó đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam.
Tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn địa ốc Alibaba hiện đang phân phối 8 “dự án” đất nền với diện tích khoảng 65 hecta. Tất cả các dự án này đều chưa được cấp phép đầu tư, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng, chưa được nghiệm thu hạ tầng, tách thửa…
Chính quyền các xã Tóc Tiên, Hắc Dịch, Sông Xoài và Châu Pha (thị xã Phú Mỹ) đã tiến hành lập nhiều biên bản vi phạm hành chính về xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; đồng thời tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ những công trình trái phép mà Alibaba đứng ra phân phối đất nền theo hợp đồng ủy quyền với chủ đất là một số cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đến thời điểm này, địa phương chưa có một hồ sơ dự án đất nền nào mang tên Alibaba. Do vậy, mọi khách hàng khi có nhu cầu giao dịch đất đai cần đến UBND xã hoặc cơ quan chức năng của địa phương để được hướng dẫn, cung cấp thông tin nhằm hạn chế rủi ro và thiệt hại.
“Mong rằng khách hàng và người dân trên địa bàn thị xã nên cảnh giác việc phân lô mà hiện nay chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân”, ông Nguyễn Văn Thắm cho biết.
Tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng “úm ba la đẻ ra dự án” đã xảy ra từ mấy năm trước, chính quyền địa phương cũng đã liên tục cảnh báo, ngăn chặn và đề nghị công an vào cuộc điều tra. Nhưng, việc vẽ ra các dự án ảo và rao bán đất nền công khai vẫn chưa hề giảm nhiệt. Ghi nhận có tới 27 “dự án” trên địa bàn này được Alibaba tự đặt tên, thực hiện quảng cáo trên trang web và mạng xã hội, phát tờ rơi theo bản đồ tự vẽ phân lô. Song, trên thực tế chỉ xác định được 19 khu đất với tổng diện tích khoảng 75 hecta do các hộ gia đình, cá nhân đứng tên sử dụng; phần lớn đất này là đất nông nghiệp. Trong đó, có 14 khu đất mà người sử dụng đất là người thân hoặc trực tiếp là Giám đốc Công ty trực thuộc Alibaba đứng tên, 5 khu đất khác người sử dụng không có quan hệ với Alibaba.
Cưỡng chế "dự án ma" của Alibaba, đoàn người mặc áo đỏ cản người làm nhiệm vụ
Qua kiểm tra, UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai phát hiện trên địa bàn có 6 khu đất nông nghiệp đã bị chủ sử dụng đất tự ý đổ đá làm đường giao thông. Trong đó, 1 khu đất đã bó vỉa hè, 2 khu đất khác xây xong hàng rào, gắn biển quảng cáo, phân lô bán nền. Các khu đất còn lại đã làm đường đi nhưng để đất trống hoặc đang sản xuất nông nghiệp.
Ông Thái Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo, Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, việc quảng cáo phân lô bán nền trên đất nông nghiệp của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba tại tỉnh Đồng Nai là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Do vậy, người dân cần đề cao cảnh giác, nắm rõ các quy định của pháp luật để không bị mắc lừa và tránh thiệt hại.
“Tỉnh rất mong các cơ quan báo chí quan tâm, thông tin một cách đầy đủ, khách quan về tình hình đất đai, liên quan đến việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba quảng cáo, phân lô bán nền trái quy định pháp luật, để giúp người dân hiểu rõ vấn đề này, tránh những hệ lụy đáng tiếc trong thời gian sắp tới”, ông Thái Bảo nói.
Mới đây nhất, tại tỉnh Bình Thuận, chính quyền xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân phát hiện một dự án “ma” đang rao bán trên mạng xã hội có tên là “Alibaba Thắng Hải Newtimes City” của Tập đoàn địa ốc Alibaba. Vẫn là cách chiêu dụ khách hàng những lời lẽ có cánh; dự án này quảng cáo như một "Singapore thu nhỏ", với tổng diện tích 35ha, quy mô hơn 1.800 nền thổ cư, nhưng giá bán mỗi mét vuông đất chỉ dưới mức 2 triệu.
Theo ông Lê Sanh, Chủ tịch UBND xã Thắng Hải, khu đất này rộng gần 32ha và phần lớn diện tích là quy hoạch đất nông nghiệp, chỉ một phần nhỏ gần đường nằm trong quy hoạch khu dân cư. Khi thấy Alibaba rao bán trên trang web và mạng xã hội dự án “ma” tại khu đất này, xã Thắng Hải đã rà soát lại và khẳng định: mục đích sử dụng trong sổ đỏ của khu đất này vẫn là đất nông nghiệp, hoàn toàn chưa có công ty nào đăng ký dự án phân lô, bán nền.
“Để bà con mình không bị thiệt thòi, trước mắt địa phương tập trung tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là những khách hàng là người địa phương biết để mà trách được. Xã cũng đang chỉ đạo các ngành chuyên môn, chức năng tiếp tục theo dõi khi phát hiện có dấu hiệu phân lô thì báo cáo cơ quan chức năng xử lý ngay”, ông Lê Sanh cho hay.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone