'BĐS khó khăn, chỉ khoảng 20-30% doanh nghiệp có thể vượt qua thời kỳ này'
Lê Đình Chung, CEO SGO Homes -
27/01/2023 08:59 (GMT+7)
(VNF) - "Với tình hình thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, tôi nghĩ chỉ khoảng 20-30% doanh nghiệp có thể vượt qua thời kỳ khủng hoảng này. Đây sẽ là những thế hệ doanh nghiệp mới, từ những trải nghiệm xương máu ở thời điểm này sẽ có những bước phát triển thần tốc khi thị trường bùng nổ trở lại", ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản SGO Homes chia sẻ.
2022 là năm có nhiều biến động nhất trong chu kỳ 10 năm của bất động sản vừa qua. Những biến động đó đến từ ảnh hưởng không nhỏ của hai năm đại dịch, sau đó tiếp tục bị “bồi” thêm bởi những bất ổn về kinh tế, tài chính và chính trị trên thế giới, khiến cho kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, trong hai năm qua, số lượng các dự án bị thanh tra rất nhiều và các dự án được cấp mới rất ít, dẫn đến nguồn cung cũng rất khan hiếm. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng tăng cao làm cho giá bất động sản trong hai năm qua tăng đột biến.
Với các doanh nghiệp nói chung, nguồn vốn từ ngân hàng, trái phiếu rất quan trọng nhưng ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp không có cơ hội để vay hoặc huy động. Những biến động của nền kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư và khách hàng, khiến thị trường gần như đóng băng, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp thiếu nguồn tài chính để vận hành.
SGO Homes không nằm ngoài guồng quay này khi tình hình kinh doanh nói chung giảm sút và rất nhiều thị trường không có giao dịch.
Tâm lý e dè, chờ đợi thời điểm mua của khách hàng đã khiến cho thanh khoản thị trường suy giảm mạnh. Do đó, giai đoạn này, các doanh nghiệp bất động sản nói chung đều gặp khó khăn trong việc triển khai bán hàng và chuyển đổi được thành giao dịch thành công, ảnh hưởng tới doanh thu, không đủ chi phí để hoạt động.
Tôi đánh giá mức độ khó khăn của giai đoạn này hơn giai đoạn dịch bệnh rất nhiều. Về điểm chung, cả hai giai đoạn đều khan hiếm nguồn cung nhưng hiện tại khan hiếm hơn. Khó khăn thời kỳ Covid-19 chủ yếu là vấn đề di chuyển, còn bản chất sau khi hết thời gian giãn cách, thị trường vẫn phục hồi rất nhanh, hơn nữa thuận lợi của giai đoạn đó là có nhiều dòng vốn rẻ và tâm lý mọi người đổ dồn vào bất động sản. Còn hiện tại có thể nói là khó khăn toàn diện khi nguồn cung ít, dòng vốn cạn kiệt, chi phí lãi vay cao, cộng thêm yếu tố chính trị, lạm phát làm cho thị trường đi xuống rất nhanh.
Đối mặt với thực tế này, chúng tôi đã phải định vị lại chiến lược về sản phẩm và khu vực. Cụ thể, ưu tiên lựa chọn các sản phẩn đã đầy đủ pháp lý và hướng đến người ở thực; hướng đến các khu vực có mức độ đô thị hoá cao. Với các sản phẩm đầu tư, lựa chọn các sản phẩm có tính năng đa tích hợp (khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng, vị trí trung tâm khu du lịch) và tìm kiếm những thị trường mới có mức giá thấp so với mặt bằng chung, để có dư địa tăng giá.
Với thị trường khó khăn như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp và nhân sự phải có sự nỗ lực, chia sẻ để vượt qua. Thay vì trước kia một người làm một việc thì hiện nay một người có thể làm 2-3 công việc khác nhau.
Chúng tôi cũng tập trung vào việc xây dựng quy trình công việc tối ưu hơn, đào tạo văn hoá và năng lực nhân sự, chuẩn bị cho sự bùng nổ trở lại của thị trường bất động sản.
Trong "nguy có cơ", tôi nghĩ đây là cơ hội cho các doanh nghiệp có định hướng chiến lược rõ ràng và tiềm lực tài chính thực. Với cương vị là một đơn vị tư vấn các giải pháp đóng gói sản phẩm và bán hàng cho các chủ đầu tư, chúng tôi đang tập trung và phối hợp với các chủ đầu tư để chuẩn bị những sản phẩm tốt nhất, kịp thời ra mắt một số các sản phẩm trong năm 2023.
Chúng tôi chú trọng vào việc lựa chọn các chủ đầu tư uy tín và có năng lực, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị thực. Đối với sản phẩm đô thị tập trung ở các thành phố lớn, xây dựng tiện ích và dịch vụ đáp ứng được cuộc sống cư dân. Đối với các sản phẩm đầu tư, ưu tiên các thị trường nghỉ dưỡng mới, chưa được khai phá có nền giá thấp, xây dựng ý tưởng sản phẩm và dịch vụ đảm bảo khả năng vận hành, tạo ra giá trị thặng dư thông qua khai thác du lịch.
Đây là giai đoạn đầy thử thách, nên tôi cho rằng quan trọng là sống sót được. Chính vì vậy, mục tiêu làm thế nào để duy trình được hình ảnh và hoạt động của công ty là những ưu tiên hàng đầu.
Với tình hình hiện tại, tôi nghĩ chỉ khoảng 20-30% doanh nghiệp có thể vượt qua thời kỳ khủng hoảng này. Đây sẽ là những thế hệ doanh nghiệp mới, từ những trải nghiệm xương máu ở thời điểm này sẽ có những bước phát triển thần tốc khi thị trường bùng nổ trở lại.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.