BĐS tuần qua: Ông Đặng Thành Tâm rót nghìn tỷ vào Vũng Tàu, 2 doanh nhân 9x xây khu đô thị 5.000 tỷ Bình Định

Lệ Chi - 18/10/2020 07:07 (GMT+7)

(VNF) - Đại gia Đặng Thành Tâm cùng em gái tham gia hồi sinh khu đô thị 4.600 tỷ một thời của Petroland; Cặp doanh nhân 9x tham gia làm khu đô thị 5.000 tỷ tại Bình Định; 'Đổ bộ' miền Bắc, đại gia địa ốc phía Nam đối mặt thách thức về giá và thói quen người dùng; ‘Rối’ pháp lý, thị trường condotel gần như đóng băng... là những thông tin bất động sản đáng chú ý tuần qua.

VNF
Đại gia Đặng Thành Tâm cùng em gái tham gia hồi sinh khu đô thị 4.600 tỷ một thời của Petroland

Cặp doanh nhân 9x tham gia làm khu đô thị 5.000 tỷ tại Bình Định

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định cho biết liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Bình Định - Công ty TNHH Khách sạn Silk Path - Công ty TNHH Xuân Cầu là nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ và đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân.

Dự án có tổng mức đầu tư là 4.952 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 608 tỷ đồng. Diện tích khu đất là 130ha, trong đó diện tích khu đô thị 57,7ha còn khu du lịch sinh thái 72,3ha.

Khu đô thị bao gồm các công trình: khu nhà ở thấp tầng biệt thự, kiến trúc hiện đại; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông nội bộ, hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh; xây dựng các công trình dịch vụ xã hội đô thị đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu cho cư dân trong và ngoài khu đô thị.

Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định công khai danh sách nhà đầu tư đạt sơ bộ đánh giá năng lực, kinh nghiệm, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án theo hồ sơ đăng ký dự án của nhà đầu tư đạt đánh giá sơ bộ. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án từ 4.952,3 tỷ đồng tăng lên 4.990 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự án là 4.382 tỷ đồng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 608 tỷ đồng.

Trong 3 liên danh trên, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Bình Định được thành lập vào tháng 8/2018, có địa chỉ tại phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính là bất động sản.

Đáng chú ý, người đại diện doanh nghiệp là ông Tô Duy (sinh năm 1992, quê Hà Nội). Ngoài ra, ông Duy còn đại diện các doanh nghiệp về lĩnh vực năng lượng như Công ty Cổ phần năng lượng Sóc Trăng, Công ty Cổ phần năng lượng DTR và Công ty Cổ phần đầu tư Vạn Ninh.

Liên danh thứ hai là Công ty TNHH Khách sạn Silk Path được thành lập từ tháng 6/2008, có địa chỉ tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, vốn điều lệ là 690 tỷ đồng.

Điều đặc biệt, nữ doanh nhân Bùi Tú Phương (sinh năm 1992), con gái của doanh nhân Bùi Tố Minh, là giám đốc và người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Khách sạn Silk Path. (Xem thêm)

Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thành lập thành phố Phú Quốc

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình, đề án của Chính phủ và các văn bản liên quan trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo đề án, thành phố Phú Quốc sau khi thành lập có diện tích tự nhiên là 575,29km2, quy mô dân số là 177.540 người (giảm về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Thổ Châu) với 8 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 2 phường (Dương Đông, An Thới) và 6 xã (Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn); giảm xã Hòn Thơm do nhập vào thị trấn An Thới để thành lập phường An Thới.

Phân khu đô thị Dương Đông rộng 2.518ha được xác định là đô thị trung tâm của đảo Phú Quốc. Dự kiến đến năm 2030, đô thị Dương Đông sẽ có dân số 240.000 người, trong đó dân di cư từ đất liền ra khoảng 183.000 người, khách du lịch lưu trú khoảng 12.000 người.

Phân khu đô thị An Thới rộng 1.022ha được định hướng trở thành đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật và trung tâm tiếp vận phi thuế quan, đồng thời là trung tâm thương mại, du lịch. (Xem thêm)

Đại gia Đặng Thành Tâm cùng em gái tham gia hồi sinh khu đô thị 4.600 tỷ một thời của Petroland

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư dự án khu đô thị mới Nam Vũng Tàu.

Theo kết quả được duyệt, liên danh Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, HoSE: SGT) - Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC) - Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City, HoSE: KBC) là nhà đầu tư trúng sơ tuyển thực hiện dự án.

Dự án khu đô thị mới Nam Vũng Tàu có diện tích 69,46ha, tổng mức đầu tư dự kiến 4.620 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện tại phường 10 và phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Trong liên danh trên, Saigontel và KBC đều do ông Đặng Thành Tâm (sinh năm 1964, quê Hải Phòng) làm chủ tịch HĐQT. Còn SCC do nữ doanh nhân Đặng Thị Hoàng Phượng (sinh năm 1969) là em gái ông Đặng Thành Tâm, làm chủ tịch HĐQT. (Xem thêm)

'Đổ bộ' miền Bắc, đại gia địa ốc phía Nam đối mặt thách thức về giá và thói quen người dùng

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết một hiện tượng đáng chú ý của thị trường thời gian qua là nhà đầu tư bất động sản phía Nam đang có xu hướng "bắc tiến".

“Ở phương diện nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư phía Bắc đã 'nam tiến', đổ tiền vào TP. HCM và các thị trường giáp ranh TP. HCM. Làn sóng này cộng hưởng với những yếu tố tiềm năng, nội lực sẵn có đã khiến giá nhà tại TP. HCM và một số tỉnh thành chạm mức cao, khiến các nhà đầu tư có xu hướng trở về quê hương”, ông Quốc Anh nói.

Theo sếp Batdongsan.com.vn, trong khi giá nhà tại TP. HCM ghi nhận mức tăng cao kỷ lục thì ngay tại Hà Nội có nhiều khu vực chỉ ghi nhận mức tăng rất nhẹ hoặc đi ngang dù hạ tầng nhiều khu vực đã rất phát triển.

“Đây là lý do hiện nay đang có dòng tiền nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực phía Nam ra phía Bắc. Không chỉ có những nhà đầu tư riêng lẻ, thị trường cũng đang chứng kiến những ông lớn trong TP. HCM 'bắc tiến'”, ông Quốc Anh cho hay.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, cũng cho rằng có làn sóng các nhà đầu tư, chủ đầu tư lớn từ TP. HCM đổ ra Hà Nội. Đáng chú ý, đây là những nhà đầu tư có kinh nghiệm phát triển dự án, kinh nghiệm bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài so với các nhà đầu tư Hà Nội.

“Điều họ kỳ vọng là mang được triết lý kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp nhà đầu tư Hà Nội”, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, bà Hằng đánh giá một trong những thách thức mà các chủ đầu tư TP. HCM khi ra thị trường Hà Nội là họ chưa hiểu được tâm lý khách hàng và nguồn cầu. Bên cạnh đó, Hà Nội là thị trường rất nhạy cảm về giá.

“Giá tại quận 1 (TP. HCM) có thể đẩy trên 10.000 USD/m2, ở Hà Nội cũng từng có dự án như vậy nhưng rất ít, hoặc có dự án giá chỉ 5.000 USD/m2 lại rất khó bán”, bà Hằng phân tích và nhấn mạnh nhà đầu tư hiểu được thị trường Hà Nội mới thành công được. (Xem thêm)

VinaCapital tham gia dự án khu nghỉ dưỡng và biệt thự ven biển hơn 2.100 tỷ

UBND TP. Đà Nẵng vừa cấp quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh dự án khu nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển tại đường Trường Sa, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, có sự tham gia của VinaCapital.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, dự án được Công ty TNHH khách sạn và biệt thự Nam Phát (giấy chứng nhận đăng ký thành lập số 0401391544 do Phòng Đăng ký doanh nghiệp Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng thay đổi lần thứ 6 ngày 16/1/2020) đầu tư với tổng mức đầu tư tăng từ 380 tỷ đồng lên thành 2.112,8 tỷ đồng.

Sau khi được UBND thành phố chấp thuận, chủ đầu tư sẽ tiếp tục triển khai tiếp các bước thủ tục và triển khai dự án theo đúng tiến độ được cấp phép.

Được biết, vào năm 2015, VinaCapital và Công ty Nam Phát đã khởi công dự án này với tổng diện tích hơn 15ha. (Xem thêm)

‘Rối’ pháp lý, thị trường condotel gần như đóng băng

Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, thị trường condotel gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.

Theo thống kê có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường nhưng không phát sinh giao dịch. Những khu vực dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận… nay đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.

Theo VARS, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường condotel là bởi khung pháp lý cho loại hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng và ảnh hưởng của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bên cạnh đó vẫn còn những tâm lý e ngại, mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư bởi sự phá vỡ cam kết ở một số dự án du lịch, nghỉ dưỡng.

Tuy vậy, VARS cho biết trong khó khăn vẫn xuất hiện điểm sáng trong thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là giai đoạn cuối tháng 9/2020. Thời điểm này, đã thấy dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng. (Xem thêm)

Quảng Ninh duyệt quy hoạch 1/500 khu du lịch sinh thái Vinpearl Safari hơn 1.100ha

UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Vinpearl Safari Hạ Long.

Theo phê duyệt, khu vực lập quy hoạch nằm trong ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, diện tích tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Vũ Oai và một phần nhỏ thuộc địa bàn xã Đồng Lâm, xã Hòa Bình, xã Kỳ Thượng, TP. Hạ Long.

Vinpearl Safari Hạ Long có tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 1.135ha, bốn hướng đông – tây- nam- bắc đều giáp đất lâm nghiệp (đất rừng đặc dụng). Quy mô khách du lịch khoảng 8.000 khách tham quan/ngày. (Xem thêm

Cùng chuyên mục
Tin khác