Bất động sản

BĐS tuần qua: Vĩnh Phúc đón thêm dự án KCN 145ha, Khánh Hòa muốn xây thêm casino ở Hòn Tre

(VNF) - Khánh Hòa xin bổ sung thêm casino tỷ USD tại đảo Hòn Tre; Bán đấu giá đất sân bay Nha Trang cũ đang gặp vướng mắc; FLC đề xuất đầu tư 2 dự án ở Điện Biên có sân golf, khu nghỉ dưỡng và nhà ở... là những thông tin bất động sản được quan tâm tuần qua.

BĐS tuần qua: Vĩnh Phúc đón thêm dự án KCN 145ha, Khánh Hòa muốn xây thêm casino ở Hòn Tre

Khánh Hòa xin bổ sung thêm casino tỷ USD tại đảo Hòn Tre

Cần Thơ: Sovico đề xuất đầu tư trung tâm logistics hàng không 50ha 

Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư ở các lĩnh vực logistics hàng không, bất động sản, mở rộng hoạt động bay của Vietjet, lĩnh vực ngân hàng, đầu tư tài chính… tại thành phố Cần Thơ.

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Sovico Nguyễn Thanh Hùng đề xuất đầu tư dự án trung tâm logistics hàng không Cần Thơ tại quận Bình Thủy, với quy mô khoảng 50ha, gồm các khu chức năng chính là kho vận, ga hàng hóa, trung tâm phân phối, các trung tâm dịch vụ hỗ trợ phục vụ hàng không...

Cùng với đó là phát triển nhà kho hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để xuất khẩu nông sản, thủy sản, trái cây qua đường hàng không, kết nối với kho logistics, là nơi tập kết phát triển xuất khẩu hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đơn vị thành viên của Tập đoàn Sovico đề xuất triển khai các gói tài chính hỗ trợ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại thành phố Cần Thơ.

Ngoài ra, Tập đoàn Sovico cũng đề xuất đầu tư dự án khu đô thị mới 948ha hai bên đường Võ Văn Kiệt thành phố Cần Thơ, để kết nối cùng với dự án trung tâm logistics hàng không.

Cũng theo ông Hùng, về lĩnh vực hàng không, tập đoàn dự kiến một chiến lược phối hợp xây dựng và mở rộng chương trình kích cầu điểm đến Cần Thơ cho khách du lịch, tiếp tục mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế sau Covid-19.

Bên cạnh đó là phối hợp tổ chức các sản phẩm combo cho du khách gồm: vé máy bay và khách sạn cách ly đối với các chuyến bay quốc tế theo sự phê duyệt của UBND thành phố trong năm 2021. (Xem thêm)

Khánh Hòa xin bổ sung thêm casino tỷ USD tại đảo Hòn Tre

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Vinpearl đã đề xuất thực hiện dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại đảo Hòn Tre trên cơ sở hợp nhất từ 7 dự án đang triển khai tại đảo Hòn Tre (gồm: dự án đầu tư phát triển đảo Hòn Tre, dự án làng du lịch Bãi Trũ - Đầm Già, dự án khu biệt thự và sân golf Vinpearl, dự án Vinpearl Golf Land Resort & Villas, dự án Vinpearl Nha Trang Bay Resort & Villas, dự án khu khách sạn và biệt thự Vinpearl Luxury Nha Trang, dự án công viên văn hoá và du lịch sinh thái Vinpearlland).

Đồng thời, Vinpearl muốn mở rộng quy mô, tăng vốn đầu tư và bổ sung hoạt động kinh doanh casino.

Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh, bổ sung lên tới 50.000 tỷ đồng (tương đương 2,24 tỷ USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 7.500 tỷ đồng, chiếm 15% tổng vốn đầu tư; vốn huy động chiếm 85% tổng vốn đầu tư.

Quy mô và phân kỳ đầu tư triển khai trong 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn I sẽ hợp nhất 7 dự án đang triển khai tại đảo Hòn Tre, đồng thời mở rộng quy mô, tăng tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 25.704 tỷ đồng (tương đương 1,15 tỷ USD). Hoạt động kinh doanh casino dự kiến được triển khai từ năm 2024 với quy mô 200 bàn trò chơi và 2.000 máy trò chơi điện tử có thưởng.

Giai đoạn II, dự án sẽ mở rộng triển khai đầu tư các hạng mục xây khách sạn 5 sao 1.200 phòng; tổ hợp vui chơi giải trí có casino; trung tâm hội nghị; tổ hợp khách sạn 5 sao trên bờ; khu khách sạn 6 sao và hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật với tổng vốn đầu tư 24.296 tỷ đồng. Thời gian dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2025.

Từ thực tế trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cơ quan trung ương xem xét chấp thuận chủ trương bổ sung thêm 1 địa điểm tổ chức hoạt động kinh doanh casino tại Khánh Hòa, cụ thể tại dự án khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại đảo Hòn Tre. (Xem thêm)

TP. HCM: 'Ăn' theo quy hoạch, giá đất Cần Giờ gây sốt

Yếu tố đang tác động đến giá đất tại Cần Giờ là khoảng cách rất gần với TP. HCM và những dự án lớn đang được phê duyệt tại đây.

Cụ thể, khoảng cách hơn 50 km từ Cần Giờ vào TP. HCM đang trở nên ngày càng thuận tiện với đường xá được cải tạo, người cư ngụ ở Cần Giờ có thể vào thành phố mỗi ngày bằng xe gắn máy, xe hơi hoặc xe buýt. Trục đường kết nối trực tiếp Cần Giờ với TP. HCM đi thẳng tới các quận trung tâm như quận 7, quận 4, quận 1 hoặc các khu đô thị lớn như Phú Mỹ Hưng.

Cần Giờ từng là một trong những khu vực có hoạt động kinh doanh bất động sản bình lặng, duy trì mức giá thấp nhất TP. HCM. Tuy nhiên, đến giai đoạn năm 2017-2018, thị trường bất động sản Cần Giờ đã đã có những cơn sốt đất, nhiều lần lập bằng giá mới.

Năm 2020, tại thị trấn Cần Thạnh, giá đất đang được giao dịch ở mức từ 6,8 - 22 triệu đồng/m2 tùy vị trí, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Ở xã Long Hòa, đất nền có giá giao dịch dao động 3,5 - 11 triệu đồng/m2, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhu cầu bán ở khu vực này khá thấp. Đất nền mặt tiền trên trục đường Duyên Hải, từ công viên Cần Thạnh đến quảng trường Rừng Sác thuộc thị trấn Cần Thạnh có giá từ 20-30 triệu đồng/m2; đoạn từ mũi Đồng Hòa đến khu bãi biển 30/4 cũng dao động 10-15 triệu/m2 do người đầu tư chuộng vị trí gần thị trấn dân cư đông đúc. Đây là một trong những tuyến đường lâu đời và lớn nhất tại Cần Giờ.

Giai đoạn 2015 - 2018, mỗi năm đất khu vực này có mức tăng trưởng khá ổn định khoảng 8-10%.

Nhưng giai đoạn từ giữa năm 2018 đến nay, giá đất tăng khá nhanh. Ghi nhận từ các sàn kinh doanh bất động sản, nhiều con đường ở Cần Thạnh đã tăng giá khoảng 100-200% như đường Đặng Văn Kiều, đường Tắc Suất, đường Duyên Hải, đường Rừng Sác.... Đây cũng được xem là giai đoạn tăng giá mạnh nhất khi giá đất tại 3 khu vực sầm uất của huyện Cần Giờ là Bình Khánh, Cần Thạnh và Long Hòa có mức tăng 200- 300%. (Xem thêm)

Khánh Hòa: Bán đấu giá đất sân bay Nha Trang cũ đang gặp vướng mắc

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu về việc bán đấu giá đất sân bay Nha Trang cũ.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, bộ đã phối hợp với UBND tỉnh triển khai việc bán đấu giá đất sân bay Nha Trang cũ. Trong đó, 2 bên đã thống nhất một số nội dung: diện tích đất để bán đấu giá là 96,01ha do UBND tỉnh thực hiện; 21,6ha chuyển giao cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế - xã hội; 2,4ha còn lại do Bộ Quốc phòng quản lý để đầu tư xây dựng khu nhà ở gia đình quân nhân… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân bày tỏ mong muốn Trung ương sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tỉnh tiến hành khớp nối các tuyến giao thông với dự án khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đấu giá.

Hiện nay, UBND tỉnh khẩn trương xử lý các công trình của các đơn vị quân đội đang tồn tại trên phần đất bán đấu giá. Vì thế, tỉnh đề nghị Bộ Quốc phòng rà soát, sắp xếp, bàn giao các tài sản này nhằm tạo điều kiện cho tỉnh bán đấu giá đất sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương. (Xem thêm)

TP. HCM sẽ rút ngắn thời gian làm thủ tục dự án bất động sản còn 11 tháng

Ngày 27/2, UBND TP. HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2021.

Tại hội nghị này, UBND TP. HCM thống nhất quy trình đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại gồm bốn bước với tổng thời gian 215 ngày làm việc, tương đương 11 tháng.

Bước 1: Thẩm định và phê duyệt thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư (35 ngày). Chủ trì là Sở Kế hoạch Đầu tư.

Bước 2: Thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị (40 ngày). Chủ trì là Sở Quy hoạch - Kiến trúc, UBND thành phố Thủ Đức và UBND các quận, huyện.

Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất (20 ngày), hoặc chuyển mục đích sử dụng đất (15 ngày) theo quy định của Luật Đất đai 2013. Chủ trì là Sở Tài nguyên Môi trường.

Bước 4: Thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư (35 ngày); thẩm định thiết kế cơ sở (20 ngày) và cấp phép xây dựng (20 ngày), Chủ trì là Sở Xây dựng. Đồng thời với thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (45 ngày). Chủ trì là Sở Tài nguyên Môi trường.

Theo Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), có thể tích hợp theo phương thức thực hiện song song, đồng thời một số thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính hơn nữa.

Từ phía doanh nghiệp, để hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án tiến hành triển khai xây dựng phải mất cả ngàn ngày thì nay đã giảm tới 40% thời gian. Thời gian làm thủ tục dự án đã rút ngắn xuống 11 tháng nhưng doanh nghiệp vẫn lo ngại vướng mắc có thể kéo dài. Khoảng thời gian trao đổi văn bản phối hợp sở ngành với các quận, huyện không thể dự trù được. Ví dụ khi gặp một vướng mắc, sở chủ trì phải gửi văn bản lấy ý kiến các sở ngành, quận huyện cũng phải mất thời gian sơ sơ từ 3-6 tháng. (Xem thêm)

Hà Tĩnh duyệt đồ án quy hoạch khu đô thị sinh thái gần 27ha

UBND Hà Tĩnh ra quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị sinh thái Park City Xuân An tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân.

Theo phê duyệt, quy mô diện tích khoảng 26,77ha do Công ty Cổ phần ACG Việt Nam làm nhà thầu khảo sát lập quy hoạch. Hiện trạng sử dụng đất phần lớn diện tích là đất nông nghiệp (lúa, hoa màu...) chiếm khoảng 86,1%, diện tích còn lại là đất dân cư hiện trạng và đất giao thông…

Mục tiêu của đồ án nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung thị trấn Xuân An đã được phê duyệt, xác định quỹ đất cụ thể để xây dựng các công trình phục vụ công cộng và quỹ đất ở mới cho đô thị thị trấn. (Xem thêm)

Vĩnh Phúc đón thêm dự án khu công nghiệp quy mô hơn 145ha

Thủ tướng Chính phủ có quyết định duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1) do Công ty Cổ phần đầu tư Amane làm chủ đầu tư.

Theo quyết định, dự án được thực hiện tại thị trấn Hoa Sơn, xã Liên Hòa, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô sử dụng đất 145,27ha. Tổng vốn đầu tư 774,8 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 120 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Vĩnh Phúc đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung tiếp thu, giải trình và thẩm định; đảm bảo việc triển khai dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt… (Xem thêm)

FLC đề xuất đầu tư 2 dự án ở Điện Biên có sân golf, khu nghỉ dưỡng và nhà ở

Ngày 4/3, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Tập đoàn FLC. Theo biên bản ghi nhớ, Điện Biên đồng ý giao FLC tổ chức khảo sát, nghiên cứu đề xuất một số dự án đầu tư như: dự án khách sạn, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại tại phường Thanh Trường - TP. Điện Biên Phủ; dự án tổ hợp sân golf, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng tại 2 xã Thanh Nưa và Thanh Luông, huyện Điện Biên.

Hai bên đã thống nhất giao cho các cơ quan đầu mối trực tiếp liên hệ, thường xuyên báo cáo tiến độ triển khai các nội dung trong biên bản ghi nhớ là Văn phòng UBND tỉnh và Ban đầu tư 6 - Tập đoàn FLC.

UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Tập đoàn FLC chủ động phối hợp với tỉnh trong việc hoàn thiện đề xuất đầu tư các dự án đã thống nhất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước 30/4/2021, đồng thời, tập trung bố trí nguồn nhân lực đảm bảo đầy đủ, kịp thời để triển khai tổ chức các công trình theo trình tự thủ tục, đúng quy định của pháp luật và quy chế làm việc của tỉnh Điện Biên. (Xem thêm)

Tin mới lên