Bí thư tỉnh Hà Tĩnh: Đưa KKT Vũng Áng phát triển theo 3 trụ cột kinh tế gồm cảng biển, logistics và hậu thép

Nguyễn Phượng - 22/08/2019 15:46 (GMT+7)

(VNF) - "Đối với KKT Vũng Áng và Formosa, phải xác định những nội dung Thủ tướng đã phê duyệt gắn với 3 trụ cột: cảng biển, trung tâm logistics; tập trung vào chế biến chế tạo, hậu thép. Vấn đề kết nối, phát triển đô thị là một trong những động lực phát triển; đi với đó là cơ chế chính sách cho KKT Vũng Áng” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

 

Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn chủ trì cuộc họp

Ngày 22/8, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã họp nghe báo cáo tình hình hoạt động các khu kinh tế (KKT) và kết quả thực hiện các dự án trên địa bàn.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết đến nay, 2 khu kinh tế gồm KKT Vũng Áng và KKT Cầu Treo đã thu hút 163 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 106 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 54.072 tỷ đồng; 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 13,599 tỷ USD.

Riêng Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong 9 khu kinh tế ven biển được Chính phủ lựa chọn để tập trung phát triển bằng nguồn ngân sách giai đoạn 2016 - 2020.

Hiện KKT Vũng Áng có 137 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 56 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất; 27 dự án đang triển khai xây dựng; 44 dự án chưa triển khai thực hiện.

Khu kinh tế Cầu Treo có 26 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 2.082 tỷ đồng.

Theo ông Thắng, KKT Vũng Áng được xem là điểm sáng thu hút đầu tư trên cả nước, trong đó, dự án Formosa là dự án “hạt nhân”, động lực thu hút phát triển công nghiệp phụ trợ, thương mại - dịch vụ và các ngành nghề khác. Năm 2018, thu ngân sách trên địa bàn KKT Vũng Áng đạt 7.550 tỷ đồng (chiếm 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh).

Hiện tại, KKT Vũng Áng có hơn 17.000 lao động có việc làm ổn định, lâu dài với mức lương bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả về kinh tế mang lại, các khu kinh tế tại Hà Tĩnh đang "vướng" nhiều rào cản để thu hút các nhà đầu tư như; kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước… còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp sự phát triển; một số khu chức năng chưa có hạ tầng kỹ thuật kết nối hoặc kết nối chưa đồng bộ...

“Đề nghị cho phép trích 5-10% số thu ngân sách tỉnh hàng năm trên địa bàn khu kinh tế Vũng Áng để đầu tư trở lại cho phát triển hạ tầng. Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại, đảm bảo tính liên tục, tạo liên kết giữa khu kinh tế với các địa phương” - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng đề xuất.

Các tàu thuyền xuất khẩu hàng hóa tại cảng Vũng Áng

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng để các KKT Vũng Áng, KKT Cầu Treo phát triển, cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ trong khu kinh tế; tập trung xây dựng và phát triển cảng Vũng Áng, Trung tâm logistics Vũng Áng, khai thác dịch vụ cảng biển, khu đô thị cảng biển.

Kết luận tại phiên họp, Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh việc phát triển KKT Vũng Áng theo quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước.

"Đối với KKT Vũng Áng và Formosa, phải xác định những nội dung Thủ tướng đã phê duyệt gắn với 3 trụ cột: cảng biển, trung tâm logistics; tập trung vào chế biến chế tạo, hậu thép. Vấn đề kết nối, phát triển đô thị là một trong những động lực phát triển. Đi với đó là cơ chế chính sách cho KKT Vũng Áng” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan cần tập trung tối đa giải quyết những vướng mắc về thủ tục, hồ sơ, giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ đề ra.

Hiện nay, Hà Tĩnh đang thực hiện Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2015 – 2020, lập quy hoạch tỉnh 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.  Theo đó, 4 trụ cột phát triển mà Hà Tĩnh ưu tiên nhắm tới đó là Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ cảng – logistics; du lịch thương mại gắn với đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực nhằm đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường.

Cùng chuyên mục
Tin khác