Bị tuyên bố ‘vỡ nợ nước ngoài’, Nga phản ứng gay gắt
Thanh Tú -
27/06/2022 15:55 (GMT+7)
(VNF) - Nga bác bỏ những tuyên bố rằng nước này đã vỡ nợ nước ngoài lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ bởi trên thực tế, chính phương Tây đã đóng băng các tài sản của Nga tại các ngân hàng phương Tây và cản trở Nga trả nợ.
"Các ngân hàng phương Tây đã đóng băng (và trên thực tế, đã đánh cắp) rất nhiều tiền thuộc về đất nước chúng ta. Họ không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào và nói một cách hoài nghi rằng Nga không thể trả hết nghĩa vụ của mình", Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban của Hội đồng Liên bang Nga về các vấn đề quốc tế Vladimir Dzhabarov viết trên Telegram.
Ông Dzhabarov nhấn mạnh rằng những tuyên bố rằng một vụ vỡ nợ được cho là xảy ra ở Nga là “dối trá”.
Theo hãng tin Bloomberg, Nga phải trả khoản lãi suất trị giá khoảng 100 triệu USD đối với hai trái phiếu nước ngoài vào hôm 27/5, nhưng đã được ân hạn đến ngày 26/6.
Tuy nhiên, bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến hệ thống thanh toán bị chặn đứng, Nga đã không thể thanh toán khoản lãi suất này trong ngày 26/6, đồng nghĩa với việc Nga đã rơi vào tình trạng vỡ nợ về mặt kỹ thuật.
Theo Bloomberg, tuyên bố vỡ nợ chính thức thường do các hãng xếp hạng tín nhiệm đưa ra, nhưng các lệnh trừng phạt của châu Âu đã khiến các hãng này ngừng đánh giá đối với các thực thể của Nga. Tuy nhiên, các chủ nợ có thể tuyên bố vỡ nợ nếu bên sở hữu 25% trái phiếu nước ngoài nhất trí rằng sự kiện vỡ nợ đã xảy ra.
Trước đó, vào ngày 23/6, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khẳng định việc gọi Nga vỡ nợ là "một trò hề".
Theo ông Siluanov, với hàng tỷ USD vẫn đổ vào ngân sách mỗi tuần từ việc xuất khẩu năng lượng bất chấp xung đột ở Ukraine, Nga hoàn toàn có đủ nguồn lực tài chính để thanh toán nợ.
“Mọi người gọi thế nào cũng được. Tuy nhiên, những người hiểu chuyện gì đang xảy ra đều biết rằng đây không phải là một vụ vỡ nợ”, Bộ trưởng Siluanov nhấn mạnh.
Nga nợ khoảng 40 tỷ USD trái phiếu nước ngoài. Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng, phần lớn được giữ ở nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng một nửa trong số đó đã bị đóng băng vì các lệnh trừng phạt.
Trước đó, hồi tháng 5, Mỹ đã ngăn cản Nga thanh toán các khoản nợ bằng ngoại tệ bằng việc chặn thanh toán trái phiếu và không gia hạn giấy miễn trừ đặc biệt, nhằm tạo sức ép kinh tế lớn hơn lên Moscow, dần đẩy nước này vào tình trạng bị tuyên bố vỡ nợ trong khi vẫn có tiền nhưng không thể trả nợ.
Trong một động thái phản ứng, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/6 ký sắc lệnh ban hành một quy trình tạm thời về việc thanh toán nợ công bằng ngoại tệ.
Theo đó, Moscow hiện sẽ coi các nghĩa vụ của mình đã hoàn thành "nếu chúng được hoàn thành bằng đồng ruble với số tiền tương đương ngoại tệ" theo tỷ giá hối đoái vào ngày tiền được chuyển đến cơ quan lưu ký trung ương (NSD), qua đó chúng sẽ được trả cho các chủ nợ.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.