Bình Định: Cặp doanh nhân 9x được phép làm dự án khu đô thị gần 5.000 tỷ
Lệ Chi -
01/02/2021 09:20 (GMT+7)
(VNF) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long vừa quyết định chấp thuận cho liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Bình Định, Công ty TNHH Khách sạn Silk Path, Công ty TNHH Xuân Cầu đầu tư dự án khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước).
Đây cũng là liên danh nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ và đạt đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân.
Dự án có diện tích 130ha, trong đó khu đô thị 57,7ha; khu du lịch sinh thái 72,3ha. Quy mô dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và du lịch sinh thái bao gồm các hạng mục như: khu biệt thự, biệt thự du lịch, khách sạn, resort, bungalow, bến tàu, công viên, bảo tàng, giao thông, cây xanh...
Dự kiến tổng vốn đầu tư dự án 4.990 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2020 - quý IV/2025. Thời gian hoạt động là 50 năm.
Sau 12 tháng kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư, Chủ tịch tỉnh yêu cầu nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý đầu tư mà không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi chủ trương đầu tư.
Cặp doanh nhân cùng sinh năm 1992
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trong 3 liên danh trên, Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Bình Định được thành lập vào tháng 8/2018, có địa chỉ tại phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính là bất động sản.
Đáng chú ý, người đại diện doanh nghiệp là ông Tô Duy (sinh năm 1992, quê Hà Nội). Ngoài ra, ông Duy còn đại diện các doanh nghiệp về lĩnh vực năng lượng như Công ty Cổ phần năng lượng Sóc Trăng, Công ty Cổ phần năng lượng DTR và Công ty Cổ phần đầu tư Vạn Ninh.
Liên danh thứ hai là Công ty TNHH Khách sạn Silk Path được thành lập từ tháng 6/2008, có địa chỉ tại phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, vốn điều lệ là 690 tỷ đồng.
Điều đặc biệt, nữ doanh nhân Bùi Tú Phương (sinh năm 1992), con gái của doanh nhân Bùi Tố Minh, là giám đốc và người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Khách sạn Silk Path.
Năm 2018, nữ doanh nhân Bùi Tú Phương từng gây xôn xao khi bỏ ra 277 tỷ đồng để thâu tóm quyền điều hành khách sạn lớn nhất Thừa Thiên Huế. Cụ thể, vào tháng 6/2018, Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam – Vneco đã chuyển nhượng toàn bộ 99,86% vốn nắm giữ tại Công ty Cổ phần Du lịch Xanh Huế - đơn vị đang sở hữu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao Xanh Huế - một trong những khách sạn đẹp nhất ở Huế.
Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Khách sạn Silk Path và 2 cá nhân khác là bà Bùi Tú Phương và ông Tạ Đàm Hưng.
Công ty Silk Path là chủ sở hữu của chuỗi khách sạn mang tên Silk Path tại Hà Nội, Sapa (Lào Cai) và Huế. Tuy là đại diện pháp luật tại Silk Path, song phần lớn vốn tại chuỗi khách sạn này lại do ông Bùi Tố Minh (1967), Chủ tịch HĐQT nắm giữ.
Còn Công ty TNHH Xuân Cầu (Xuân Cầu Holding) có địa chỉ tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, vốn điều lệ là 2.150 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 6/2000, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản.
Xuân Cầu Holding nổi lên với vai trò là đơn vị phân phối hàng đầu dòng xe Piaggio của Ý tại Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được biết đến là một “ông trùm” trong lĩnh vực bất động sản với những dự án đình đám như: khu biệt thự nghỉ dưỡng Xanh Villas (diện tích 50ha); khu biệt thự sinh thái Yên Bình (Xanh Villas II); khu du lịch Kim Bôi; tổ hợp khách sạn - trung tâm thương mại Xuân Phú Hưng.
Xuân Cầu Holding còn sở hữu khu biệt thự và du lịch sinh thái Hòa Sơn; khu đô thị sinh thái Văn Giang; khu resort Xuân Phú Hải, Mercure Cát Bà, MP Resort - Phú Quốc, Gành đá đĩa - Phú Yên, sân golf Phượng hoàng - Phú Yên…
Xuân Cầu Holding cũng tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điển hình doanh nghiệp đã bắt tay với Tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan, xây dựng cụm năng lượng tái tạo lớn nhất Đông Nam Á tính đến hiện tại.
Ngoài ra, Xuân Cầu Holding và Công ty Cổ phần Năng lượng Sóc Trăng do ông Tô Duy làm sếp cũng bắt tay khởi công dự án điện gió tại tỉnh Sóc Trăng.
Dự án này được xây dựng tại ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tổng công suất thiết kế cả 2 giai đoạn là 120MW, sử dụng trên 3.000ha đất. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ có công suất 30MW, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng và giai đoạn 2 công suất 90MW với tổng mức đầu tư gần 4.200 tỷ đồng.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.