Bộ Giao thông 'phê bình nghiêm khắc' Tổng giám đốc PMU 7 Nguyễn Chung Khánh

Đinh Tịnh - 05/05/2020 07:50 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa có cuộc họp riêng với Ban Quản dự dự án 7 (PMU 7) về tiến độ thực hiện các dự án do Ban này phụ trách. Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng yêu cầu nghiêm khắc phê bình giám đốc PMU 7 Nguyễn Chung Khánh và nhiều lãnh đạo ban do sức giải ngân thấp.

VNF

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện PMU 7 quản lý nhiều dự án quan trọng thuộc thu vực phía Nam, đặc biệt có 4 công trình giao thông trọng điểm gồm: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2, dự án nâng cấp QL53 Trà Vinh - Long Toàn và dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Ngoài ra, Ban này còn 2 dự án nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn và nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, mỗi dự án đều đã khởi công hai gói thầu xây lắp từ đầu năm 2020, khối lượng hiện nay chủ yếu là đào, đắp cát nền đường.

Theo kết luận của Bộ GTVT, "mặc dù Ban QLDA 7 được phụ trách nhiều dự án lớn, công trình cấp bách của ngành GTVT với tổng số nguồn đầu tư rất lớn nhưng trong quá trình thực hiện hầu hết tiến độ các dự án triển khai chậm, không đảm bảo đúng tiến độ giải ngân đã giao năm 2020 có nguy cơ ảnh hưởng chung của các dự án".

"Bên cạnh đó, việc tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ điều hành các dự án còn hạn chế, thiếu tính chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao, việc phối hợp với các cơ quan tham mưu thuộc Bộ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế".

"Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình đồng chí giám đốc, tập thể lãnh đạo Ban và toàn thể PMU7 về kết quả giải ngân thấp, triển khai các dự án chậm so với yêu cầu đề ra", công văn nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu PMU7 phối hợp với Cục quản lý xây dựng khẩn trương rà soát việc phân chia số lượng gói thầu các dự án. Nếu chưa tổ chức đấu thầu kịp thời điều chỉnh, nghiên cứu gộp các gói thầu nhỏ, đảm bảo tính hợp lý, tập trung, thống nhất, thuận tiện trong quá trình triển khai dự án.

Đối với Dự án cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị Thứ trưởng Nguyễn Nhật chỉ đạo tổ chức họp lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo triển khai dự án về phương án tách phần cầu chính thành 2 gói thầu (kết cấu phần dưới và phần kế cấu trên) nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng giám đốc PMU7 bị phê bình nghiêm khắc do giải ngân thấp, triển khai dự án chậm, chia nhỏ số lượng gói thầu tại các dự án.

Cùng theo tìm hiểu của VietnamFinance, khác với thông lệ trước đây, năm 2020, vốn đầu tư công được Chính phủ giao từ rất sớm. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng được giao quyền chủ động điều chuyển vốn giữa các dự án để có thể giải ngân hết hơn 30.000 tỷ đồng vốn kế hoạch 2020.

Tuy nhiên, hầu hết các chủ đầu tư, PMU đều có kết quả giải ngân rất thấp hoặc chưa giải ngân, dẫn đến tỷ lệ giải ngân 2 tháng đầu năm của Bộ GTVT đạt thấp so với tỷ lệ bình quân chung (7,3%) của cả nước.

Đây rõ ràng là bước chạy đà không đạt tại các dự án GTVT trong bối cảnh việc giải ngân vốn đầu tư công đang được coi là động lực quan trọng khi nền kinh tế Việt Nam hiện chịu rất nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid -19.

Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá sẽ tác động bất lợi đến tăng trưởng kinh tế, bởi dòng vốn này bung ra chậm sẽ không có tác dụng kích cầu, kể cả cầu các yếu tố cho sản xuất và cầu tiêu dùng các sản phẩm được đưa vào tiêu dùng để tính giá trị cuối cùng vào tăng trưởng.

Hơn nữa, vốn đầu tư công còn có tác dụng như nguồn vốn mồi đầu tư vào các khâu, lĩnh vực thiết yếu để thu hút các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia, tạo sự lan tỏa đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông thường, một đồng vốn đầu tư công có thể thu hút thêm từ 5 đến 7 đồng vốn trong xã hội, cho nên vốn đầu tư công chậm sẽ dẫn đến tình trạng đóng băng nhiều nguồn vốn khác.

Ngoài những nguyên nhân mang tính cố hữu như vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục thẩm định, điều chỉnh các dự án rườm rà, mất nhiều thời gian; năng lực yếu kém của các chủ đầu tư, nhà thầu… một hiện tượng rất đáng lưu tâm. 

Có những gói thầu được mở thầu từ tháng 11/2019, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng do có thêm nhiều cơ quan liên quan được mời vào tham gia soát xét.

Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vào thời điểm này cần một tâm thế, cần cách làm đặc biệt, bởi nó không chỉ có ý nghĩa sử dụng hết nguồn vốn được phân bổ, mà quan trọng hơn là sẽ góp phần tạo động lực duy trì tăng trưởng kinh tế.

Đây cũng là một trong những động lực giúp nền kinh tế vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh, từ đó hoàn thành các mục tiêu kinh tế lớn của năm cuối cùng trong kế hoạch 2016 - 2020.

Cùng chuyên mục
Tin khác