Bỏ lỡ thời gian ân hạn trả nợ trái phiếu, Evergrande chuẩn bị vỡ nợ?

Quỳnh Anh - 07/12/2021 20:39 (GMT+7)

(VNF) - Theo Reuters, dù đã hết thời gian ân hạn vào ngày 6/12, nhưng các trái chủ của nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới Evergrande vẫn chưa nhận được tiền lãi trái phiếu thanh toán bằng coupon, làm dấy lên nỗi lo ngại rằng tập đoàn này chuẩn bị lâm vào tình trạng vỡ nợ.

VNF
Evergrande "lâm nguy" vì không trả được nợ lãi trái phiếu.

Việc không thanh toán 82,5 triệu USD tiền lãi đến hạn vào ngày 6/11, kết thúc ân hạn vào ngày 6/12, sẽ gây ra tình trạng vỡ nợ chéo đối với khoảng 19 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Evergrande và khiến công ty này có nguy cơ trở thành đơn vị vỡ nợ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Chiến lược gia Kenny Ng tại Everbright Sun Hung Kai Securities cho biết: “Thị trường đã có những kỳ vọng nhất định về điều này (Evergrande không thể trả nợ lãi). Tất cả chỉ chờ xem điều này sẽ xảy ra khi nào. Đồng thời, các nhà đầu tư đang theo dõi sự phát triển của Evergrande, bao gồm cả việc tập đoàn này đang hướng tới việc tái cơ cấu nợ hay kế hoạch trả nợ cho chủ nợ".

Bên cạnh khoản nợ lãi trị giá 82,5 triệu USD vừa không kịp thanh toán, Evergrande cũng còn một khoản nợ lãi trị giá 255,2 triệu USD sẽ đến hạn vào ngày 28/12.

Từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Trung Quốc với hơn 1.300 dự án bất động sản, giờ đây, với khoản nợ 300 tỷ USD, Evergrande đã trở thành công ty lớn nhất trong cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc trong năm nay – cuộc khủng hoảng đã khiến gần 10 nhà phát triển bất động sản nhỏ hơn bị xoá sổ.

Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cho biết các vấn đề của Evergrande có thể được kiểm soát và có động thái nhằm tăng cường thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng cùng với kế hoạch của công ty trước khi tái cơ cấu nợ nước ngoài, nhằm trấn an các nhà đầu tư toàn cầu.

Cũng trong cuối tuần vừa qua, Evergrande đã đưa ra thông báo hết sức bi quan rằng họ có thể không có đủ tài chính để đáp ứng các nghĩa vụ thanh khoản và “cầu cứu” chính quyền tỉnh Quảng Đông để thành lập một ủy ban quản lý rủi ro bao gồm các quan chức từ các tổ chức nhà nước nhằm hỗ trợ "giảm thiểu và loại bỏ các rủi ro trong tương lai".

Vụ việc này xảy ra sau khi tập đoàn này bị các chủ nợ đòi 260 triệu USD và không đủ nguồn tiền trả nợ. Điều đó đã khiến các nhà chức trách phải triệu tập chủ tịch Hứa Gia Ấn ngay trong đêm 3/12 và trấn an các thị trường rằng có thể hạn chế rủi ro lớn hơn.

Sự tham gia của nhà nước và hy vọng tái cơ cấu nợ được quản lý đã giúp cổ phiếu Evergrande tăng 8,3% một ngày sau khi giảm 20% xuống mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, chỉ sang ngày 7/12, trái phiếu của công ty này tiếp tục giao dịch ở mức khó khăn và chỉ tăng 1,1%.

Theo giới chuyên môn, cho đến thời điểm này, bất kỳ “vụ nổ” nào của Evergrande đều được kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc, đi kèm với các động thái trấn an của nhiều quan chức cấp cao, nên hệ quả to lớn thực sự sau cuộc khủng hoảng Evergrande mà mọi người cảm nhận được dường như không nghiêm trọng lắm so với thực tế.

Chính vì vậy, giờ đây tất cả đều đang chú ý tới việc chính phủ Trung Quốc sẽ xử lý khủng hoảng của Evergrande như thế nào, và liệu việc để lỡ kỳ hạn thanh toán lãi trái phiếu có phải một phần trong kế hoạch “cứu vãn” sự tồn tại của “con ngựa đau” Evergrande?

Cuối tháng 11 vừa qua, các nhà phân tích của S&P Global Ratings còn đưa ra nhận định chắc chắn rằng Evergrande có khả năng cao sẽ sớm vỡ nợ vì công ty về cơ bản đã mất hoạt động kinh doanh chính.

Xem thêm >> Chủ tịch bị triệu tập vì ‘không trả được nợ’, cổ phiếu Evergrande xuống mức thấp nhất trong 11 năm

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác