Bộ Tài nguyên và Môi trường lý giải nguyên nhân Hà Nội và TP. HCM ô nhiễm không khí
Trần Lưu -
20/12/2019 08:31 (GMT+7)
(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, mặc dù các chỉ số về không khí ở Hà Nội và TP. HCM chưa vượt quá quy chuẩn nhưng sự gia tăng của bụi mịn, đặc biệt trong thời gian vừa qua có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.
Chiều 19/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí.
Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, từ năm 2013-2019, trừ bụi mịn thì các thông số không khí khác như CO, SO2, NOx, bụi thô... đều đang ở dưới ngưỡng quy chuẩn, có xu hướng không tăng lên, thậm chí có giảm.
Bụi mịn tăng và có sự dao động tại các thời điểm thời gian như từ 5h-8h sáng, từ 16h-22h tối và theo mùa, đặc biệt là vào mùa khô, mùa có hiện tượng nghịch nhiệt...
"Như vậy tình hình ô nhiễm tại TP. HCM, Hà Nội gia tăng và tùy vào những thời điểm như theo mùa, theo khung giờ cao điểm, năm nay tần suất tăng lên so với 2018, tạo ra sự lo lắng, quan tâm là hết sức đúng đắn", Bộ trưởng Trần Hồng Hà Nói.
Nguồn gây ô nhiễm không khí từ đâu?
Về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở 2 thành phố này, ông Hà cho biết buổi họp hôm nay chưa tìm được nguyên nhân chính nhưng việc nhận diện nguồn gây ô nhiễm thì hoàn toàn có thể xác định.
Cụ thể, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra một số nguyên nhân như mật độ phương tiện tham gia giao thông quá đông, trong khi chất lượng khí thải từ phương tiện giao thông của Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn trên thế giới.
"Thống kê cho thấy, Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô, TP. HCM cũng có khoảng 7,5 triệu xe máy. Chưa kể hàng triệu xe di chuyển cơ học qua lại địa bàn này mang theo lượng bùn, đất vào đô thị. Tất cả đều góp phần khiến chỉ số bụi mịn tăng cao", Bộ trưởng Hà phân tích.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng cả Hà Nội và TP. HCM đều là những "đại công trường”, riêng Hà Nội hiện có trên 1.000 công trình xây dựng. Các công trường đang trong thời gian xây dựng, xe chở vật liệu ra vào che chắc không kỹ cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, hoạt động của các cơ sở sản xuất, nhà máy ở khu vực trong và ven đô thị, đặc biệt tại TP. HCM có gần 900 nhà máy lớn nhỏ cũng được xác định là nguyên nhân khiến chỉ số bụi mịn ngày một tăng cao.
Buổi họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí nhận được sự quan tâm của dư luận
Một số nguyên nhân khác cũng được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là nguồn gây ô nhiễm chính là việc người dân ngoại thành đốt rơm rạ, phế thải nông nghiệp sau thu hoạch.
Thậm chí, hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong tại Hà Nội cũng được Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định là nguồn gia tăng bụi mịn và ô nhiễm không khí.
Giải pháp nào giúp Hà Nội và TP. HCM hạn chế ô nhiễm?
Để sớm khắc phục và giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cần tập trung nguồn lực trong giai đoạn nhạy cảm với thời tiết, khí hậu.
Đồng thời bố trí ngân sách, huy động mọi lực lượng để tiến hành duy trì các trạm quan trắc tự động, đưa ra chính xác về chất lượng môi trường không khí, cung cấp hàng ngày, mỗi ngày 2 lần cho người dân.
"Nếu tình trạng chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn phải cung cấp và khuyến cáo người dân với những biện pháp mà Bộ y tế đưa ra", Bộ trưởng Hà nói.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND . Hà Nội trong những thời điểm quy chuẩn môi trường vượt quá thì một mặt công bố thông tin, mặt khác phải có ngay kế hoạch cụ thể như tiến hành phun nước mỗi ngày, xem xét điều tiết luồng giao thông ở những khu vực đông dân cư và cảnh báo nếu cần thiết thì trong những ngày ô nhiễm, các phương tiện giao thông cá nhân không đi qua khu vực mật độ quá lớn, để chia sẻ bớt nguồn thải từ giao thông...
Lãnh đạo Bộ cũng cho biết sẽ lập tức phối hợp với Bộ xây dựng để có quy định với việc bảo vệ môi trường xung quanh các khu vực công trình xây dựng, vật liệu xây dựng để đâu? chất thải xây dựng xử lý thế nào?… để đảm bảo thực hiện tốt khâu xử lý chất thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ có chỉ đạo với UBND các tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội có biện pháp hỗ trợ để bà con nông dân sau thu hoạch không được đốt rơm rạ và xử lý phế thải nông nghiệp sau thu hoạch.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.