Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam đều chậm tiến độ'

Chí Bình - 12/11/2021 15:15 (GMT+7)

(VNF) - Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, cả 2 dự án trọng điểm quốc gia là sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2021 đều chậm tiến độ.

VNF
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về tiến độ triển khai các dự án trọng điểm quốc gia tại phiên chất vấn Quốc hội ngày 12/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2020 và 2021, Bộ GTVT xác định công tác triển khai các dự án đầu tư, trong đó có những dự án đầu tư trọng điểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.

Cao tốc Bắc - Nam PPP gặp rất nhiều khó khăn

Theo ông Thể, đến hết tháng 9/2021, bình quân giải ngân toàn quốc là 47,8% nhưng riêng ngành giao thông vận tải đã giải ngân 61,2%. Tuy nhiên, so với yêu cầu, có 2 dự án trọng điểm quốc gia trong giai đoạn vừa qua triển khai còn chậm do có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

"Cả 2 dự án trọng điểm quốc gia là sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2021 đều chậm tiến độ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Đối với dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng cho biết theo nghị quyết của Quốc hội, có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Với 3 dự án đầu tư công dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành 2 dự án là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn. Riêng cầu Mỹ Thuận 2 đến thời điểm này tiến độ cũng đã đạt được 70%.

Vào tháng 6/2020, trước tinh thần đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, đầu tiên là quốc tế, sau đó xin chủ trương chuyển sang đấu thầu trong nước và tổ chức đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư lớn về tài chính thì ít tham gia, mà các nhà đầu tư với dự án, nhà thầu lớn lại quan tâm.

Đặc biệt là năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội triển một số dự án sang đầu tư công để kích cầu và đẩy nhanh tiến độ. Đến tháng 6/2020, Quốc hội đã ban hành nghị quyết chuyển 3 dự án sang đầu tư công, đồng thời cho phép đến năm 2022 sẽ hoàn thành 3 dự án này; hiện đã đạt tiến độ từ 20 - 35%.

Riêng 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ trưởng cho biết hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là sau giai đoạn thu hút vốn cho dự án BOT thì tình hình tài chính của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn do huy động thì ngắn hạn mà cho vay thì dài hạn.

Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết Bộ đã làm việc với các nhà đầu tư để trong tháng 5/2021 và tháng 7/2021 đã ký hợp đồng với 3 nhà đầu tư theo hình thức PPP. Theo quy định, các nhà đầu tư được thu xếp vốn trong vòng 6 tháng và đến thời điểm này sắp hết nhưng tình hình thu xếp vốn vẫn gặp nhiều khó khăn.

"Bộ được biết tình hình tới nay các ngân hàng chỉ cam kết cho vay 6.000/9.300 tỷ đồng phải huy động và các nhà đầu tư cũng đã đề xuất các giải pháp có thể sẽ huy động thêm nguồn lực, có nhà đầu tư hoặc là các cái loại hình khác. Bộ cũng đang tích cực làm việc với các nhà đầu tư, các ngân hàng để ký được hợp đồng tín dụng, bởi nếu không thì không triển khai dự án", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Cuối năm 2025 hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành

Công tác giải ngân giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành còn chậm.

Liên quan đến dự án sân bay quốc tế Long Thành, sau khi Quốc hội cho chủ trương và Chính phủ phê duyệt, tháng 7/2019, Bộ trưởng cho biết đã trình dự án lên Chính phủ, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định, cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư thuê tư vấn nước ngoài để thẩm định lại toàn bộ dự án sân bay quốc tế Long Thành. Vì vậy dự án này đã kéo dài thời gian thẩm định trong lúc tư vấn nước ngoài phản biện toàn bộ dự án.

Đến tháng 12/2020, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chính thức phê duyệt Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư giai đoạn 1 của dự án. Đến thời điểm này đã hoàn thành xây dựng 70% toàn bộ hàng rào khoảng gần 9km; rà phá bom mìn đạt diện tích 75%.

Riêng về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho biết dù bố trí vốn cho công tác này là hơn 22.000 tỷ đồng, giao cho tỉnh Đồng Nai triển khai từ 2018 đến nay, nhưng công tác giải ngân còn chậm, mới đạt là 47% (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng).

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, công tác giải phóng mặt bằng chậm do liên quan đến tiến độ xây dựng các khu tái định cư, công tác kiểm đếm, xây dựng giá và đặc biệt là trong thời gian qua bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bộ GTVT cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Đồng Nai để bàn giao toàn bộ mặt bằng theo tiến độ. Bộ cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tích cực hơn nữa đấy, giải ngân vốn, giải phóng mặt bằng, thực hiện chu đáo công việc này.

“Nếu không có gì thay đổi thì tháng 3/2022 sẽ tiến hành đồng loạt các gói thầu về san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng để đảm bảo là tới tháng 12/2025 chúng ta cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 để khai thác sân bay Long Thành đúng theo tinh thần nghị quyết Quốc hội đã thông qua", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.