BRICS mở rộng quy mô, kết nạp ít nhất 10 thành viên mới

Bích Hợp - 30/09/2024 16:27 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Maxim Ryzhenkov cho hay làn sóng mở rộng tiếp theo của BRICS sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm tại thành phố Kazan của Nga vào tháng 10.

Làn sóng mở rộng thành viên

Phát biểu bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, ông Ryzhenkov cho biết BRICS sẽ kết nạp thêm ít nhất 10 thành viên mới, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng đơn xin gia nhập của nước ông sẽ được chấp thuận.

“Làn sóng mở rộng đầu tiên, như tất cả chúng ta đều mong đợi, sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh Kazan. Nga đang lập danh sách các quốc gia sẽ nằm trong làn sóng mở rộng đầu tiên”, ông Ryzhenkov nói với RIA Novosti.

Logo BRICS24 tại cuộc họp của các bộ trưởng truyền thông BRICS+, Innopolis, Tatarstan, Nga, ngày 27/9/2024 (Ảnh: Maxim Bogodvid/RIA Novosti)

Với tư cách là nước hiện đang giữ chức chủ tịch BRICS, Nga sẽ đăng cai hội nghị thượng đỉnh thường niên của nhóm này tại Kazan từ ngày 22 – 24/10. Đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Belarus Sergey Lukashevich cho biết nước ông nằm trong nhóm ứng cử viên đầu tiên của BRICS, cùng với Algeria, Bangladesh, Bahrain, Bolivia, Venezuela, Cuba, Honduras, Indonesia, Kazakhstan, Kuwait, Morocco, Nigeria, Palestine, Senegal và Thái Lan...

Một số quốc gia khác, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Zimbabwe và Burkina Faso, cũng đã chia sẻ ý định tham gia. Được thành lập vào năm 2006 bởi Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, khối này đã chấp nhận Nam Phi là thành viên vào năm 2011. Đầu năm nay, BRICS đã mở rộng để chào đón bốn quốc gia thành viên mới gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE.

Tuyên bố tại một cuộc họp cấp cao của BRICS vào đầu tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cho đến nay, có ít nhất 34 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào tổ chức này.

Bà Julie Kozack, phát ngôn viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho biết vào tháng 9 rằng việc mở rộng BRICS nên được "khuyến khích", đồng thời nói thêm rằng sự phát triển của nhóm này có thể mang lại lợi ích trên toàn cầu.

Các nước BRICS hiện chiếm khoảng 46% dân số thế giới. Nền kinh tế của các quốc gia thành viên chiếm hơn 36% GDP toàn cầu, dựa trên sức mua tương đương, theo ước tính của các tổ chức tài chính toàn cầu.

Thiết lập hệ thống thanh toán mới

Các nước BRICS đang tìm cách thiết lập một loại tiền tệ dự trữ mới được hỗ trợ bởi một rổ tiền tệ tương ứng của họ.

Đồng tiền BRICS tiềm năng sẽ cho phép các quốc gia này khẳng định sự độc lập về kinh tế của mình trong khi cạnh tranh với hệ thống tài chính quốc tế hiện tại. Hệ thống hiện tại do đồng USD thống trị, chiếm khoảng 90% tổng giao dịch tiền tệ.

Bộ Tài chính Nga, cùng với Ngân hàng Trung ương và các đối tác BRICS, sẽ chuẩn bị một số sáng kiến ​​để tạo ra một hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế độc lập.

Cho đến gần đây, gần 100% giao dịch dầu được thực hiện bằng USD; tuy nhiên, vào năm 2023, 1/5 giao dịch dầu được báo cáo là được thực hiện bằng các loại tiền tệ không phải USD.

Trọng tâm của tình hình đang diễn ra này là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc và Nga.

Nếu các quốc gia BRICS thiết lập một loại tiền tệ dự trữ mới, điều này có thể sẽ tác động đáng kể đến đồng USD, có khả năng dẫn đến sự suy giảm nhu cầu, hay còn gọi là phi USD hóa. Đổi lại, điều này sẽ có tác động đến Mỹ và các nền kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris vào ngày 10/9, ông Trump đã nhấn mạnh lời cam kết gần đây của mình về việc áp dụng thuế quan nghiêm ngặt đối với các quốc gia muốn tránh xa đồng USD như một loại tiền tệ toàn cầu. Ông đang có lập trường đặc biệt mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, đe dọa sẽ áp thuế từ 60% đến 100% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu đắc cử.

Vẫn còn quá sớm để dự đoán thời điểm phát hành đồng tiền BRICS, nhưng đây là thời điểm tốt để xem xét tiềm năng của đồng tiền BRICS và những tác động có thể có của nó đối với các nhà đầu tư.

Phát biểu tại diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moscow, ông Putin đã nói về "một số khó khăn" mà khối này gặp phải trong thương mại. Bị giáng loạt đòn trừng phạt và việc Nga bị từ chối tiếp cận SWIFT đã khiến hoạt động ngân hàng quốc tế trở nên khó khăn. Tuy nhiên, đất nước này đang tìm cách thay đổi điều đó.

"Là một phần của sự hợp tác với các nước BRICS, chúng tôi đang nỗ lực tạo ra hệ thống thanh toán của riêng mình", ông nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng điều này sẽ cho phép các quốc gia liên minh "tạo điều kiện cho việc phục vụ hiệu quả và độc lập cho mọi hoạt động thương mại nước ngoài".

Theo RT, Nasdaq
Tích cực phi USD hoá, Nga và Trung Quốc đẩy giá vàng lên cao kỷ lục

Tích cực phi USD hoá, Nga và Trung Quốc đẩy giá vàng lên cao kỷ lục

Tài chính quốc tế
(VNF) - Theo Ngân hàng Trung ương Pháp, nỗ lực loại bỏ đồng USD của Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy giá vàng.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.