Đốt tiền vào trí tuệ nhân tạo, OpenAI dự kiến lỗ hàng tỷ USD
(VNF) - Một trong những câu hỏi lớn về việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) là có thể thu được lợi nhuận hay không và khi nào. Câu trả lời ngắn gọn có thể là: Không nhiều, ít nhất là chưa.
Chuyển mình thành "công ty vì lợi nhuận"
Hàng tỷ USD đang được chi cho việc phát triển và sản xuất AI trên toàn thế giới. AI được coi là sự phát triển công nghệ quan trọng kể từ khi Internet xuất hiện vào những năm 1990.
Hãy lấy dẫn chứng từ OpenAI, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco đứng sau ChatGPT. Tổ chức này đang dần chuyển mình từ một tổ chức phi lợi nhuận thành một doanh nghiệp vì lợi nhuận.
Khi được thành lập năm 2015, OpenAI bắt đầu với sứ mệnh cao cả là hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, nhận tiền tài trợ từ các bên để phát triển AI theo hướng an toàn và có lợi nhân loại, thay vì mô hình đầu tư và chia lợi nhuận.
Tuy nhiên, khi trở thành startup được săn đón nhất tại Thung lũng Silicon, mục tiêu ban đầu được cho là bị gạt sang một bên, dành chỗ cho những tính toán về lợi ích tài chính, điều mà một doanh nghiệp bình thường đang vận hành.
Theo tờ The New York Times, OpenAI đã tạo ra doanh thu hàng tháng là 300 triệu USD vào tháng 8, một con số không nhỏ và tăng 1.700% kể từ đầu năm 2023.
Các tài liệu tài chính mà The New York Times có được cho thấy doanh thu của công ty công nghệ này có thể đạt 3,7 tỷ USD vào năm 2024 và 11,6 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, OpenAI dự kiến sẽ lỗ khoảng 5 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Mức chi phí vận hành của OpenAI quá lớn khi ChatGPT cần quá nhiều tài nguyên để phát triển. Thêm vào đó, những chi phí như trả lương nhân viên, thuê văn phòng cùng các khoản chi phí vận hàng khác cũng đang khiến OpenAI chưa thể có lãi.
Theo ước tính, mỗi ngày OpenAI tốn đến 700.000 USD để vận hành ChatGPT. Mặc dù được Microsoft bơm 13 tỷ USD nhưng phần lớn số tiền đó đã được OpenAI trả các khoản dịch vụ dùng điện toán đám mây.
Để chuyển đổi thành một công ty vì lợi nhuận, OpenAI hiện đang cố gắng huy động khoảng 6,5 đến 7 tỷ USD vốn mới, một quá trình có thể định giá công ty ở mức khoảng 150 tỷ USD - "một trong những mức cao nhất từ trước đến nay đối với một công ty công nghệ tư nhân", New York Times lưu ý.
Hoạt động gây quỹ được dẫn đầu bởi Thrive Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm do Joshua Kushner thành lập. Joshua Kushner là anh trai của Jared, con rể của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cuối cùng, công ty muốn trở thành một "công ty đầu tư mạo hiểm đại chúng". Cấu trúc này cho phép công ty nêu rõ ý định tạo ra tác động tích cực đến xã hội.
Hầu hết các công ty không đặt mục tiêu đó mà chủ yếu tập trung vào việc tăng cường tài sản cho cổ đông.
Không rõ khi nào hoặc liệu việc chào bán chứng khoán OpenAI ra công chúng có thể diễn ra hay không. Và khả năng là điều đó sẽ không xảy ra cho đến khi tình hình tài chính rõ ràng hơn.
Trong khi đó, rất nhiều tên tuổi lớn đang đầu tư vào đợt huy động vốn của OpenAI, bao gồm Microsoft , Nvidia, Tiger Global và nhiều công ty khác. Apple đã đồng ý đầu tư vào đợt chào bán này nhưng đã rút lui, The Wall Street Journal đưa tin cuối tuần trước.
Theo báo cáo, Microsoft đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD cho đợt chào bán này, ngoài số tiền 13 tỷ USD đã đầu tư vào OpenAI.
Một cuộc cách mạng về công nghệ
Tổng giám đốc điều hành của Nvidia, Jensen Huang, thường nói rằng AI và sự phát triển của chip và hệ thống hỗ trợ AI là một phần của cuộc cách mạng công nghiệp mới.
Vào tháng 6, Cohere, một công ty khởi nghiệp AI có trụ sở tại Toronto đã huy động được 500 triệu USD từ Cisco Systems, Advanced Micro Devices và gã khổng lồ điện tử Nhật Bản Fujitsu.
Con số đó tương đương với mức định giá khoảng 5,5 tỷ USD. Vào thời điểm đó, công ty chỉ tạo ra 35 triệu USD doanh thu hàng năm.
Như tỷ phú Jensen Huang đã nói, AI có thể mang tính cách mạng, nhưng các cuộc cách mạng trong kinh doanh thường tạo ra nhiều cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp và thất bại hoàn toàn trước khi một mô hình có lợi nhuận xuất hiện. Và thậm chí là sự bất ổn nội tại.
Một số giám đốc điều hành cấp cao của OpenAI đã từ chức chỉ trong năm nay.
Tuần trước, giám đốc công nghệ Mira Murati đã thông báo rằng bà sẽ rời đi sau sáu năm rưỡi gắn bó. Giám đốc nghiên cứu của OpenAI Bob McGrew và phó chủ tịch nghiên cứu Barret Zoph cũng đã thông báo rằng họ sẽ từ chức khỏi công ty.
Sự ra đi này diễn ra bốn tháng sau khi nhà đồng sáng lập và cựu khoa học gia trưởng của OpenAI, Ilya Sutskever, cũng từ chức.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư có vẻ hoài nghi hơn một chút, thậm chí có thể là thực tế hơn, về OpenAI và AI nói chung.
Câu chuyện về AI đã tạo nên sự cường điệu không tưởng vào năm 2023 và năm 2024 cho đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7.
Cổ phiếu Nvidia đã tăng tới 184,2% trong năm nay khi đạt đỉnh ở mức 140,76 USD vào ngày 20/6 và đã giảm 13,8% kể từ đó. Trong năm, mức tăng vẫn là 145%, nhưng cổ phiếu chỉ tăng 1,3% khi chỉ còn một ngày giao dịch trong tháng 9 và 2% trong tháng 8, sau khi giảm 5,3% vào tháng 7.
Cổ phiếu Microsoft đã tăng 56,8% vào năm 2023 khi cơn sốt AI ngày càng mạnh mẽ và tăng 24,8% khi đạt đỉnh ở mức 468,35 USD vào ngày 5 tháng 7. Cổ phiếu đã giảm 8,6% kể từ đó.
IMF: Trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng tới 40% việc làm trên toàn cầu
- ’Chiến sự Ukraine là điều duy nhất ngăn Nga khỏi suy thoái ngay lập tức’ 30/09/2024 08:45
- 'Ác mộng' với các công ty EU: Cảnh báo xung đột pháp lý với Trung Quốc 28/09/2024 08:00
- Tù nhân giàu nhất thế giới được thả sau nhiều tháng ‘bóc lịch’ 27/09/2024 04:50
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.