Cầm 30 lượng vàng không mua nổi mảnh đất, dân ở quê lo khó có nhà ở
Sau 'cơn sốt' đất đấu giá, người dân tại xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) than cầm mấy chục lượng vàng không mua nổi nửa mảnh đất quê, lo ngại con em khó có thể mua đất cất nhà, thậm chí không còn đất vì nhà đầu tư đổ xô về săn lùng.
- Hà Nội: Dừng toàn bộ các phiên đấu giá đất ở huyện Thanh Oai 04/09/2024 09:45
Ở quê giờ cũng chỉ xây nhà ống thôi
Khảo sát của PV cho thấy, không ít người dân tại xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) đang lo lắng khi việc tiếp cận đất đai ngày càng trở nên khó khăn ngay tại nơi chôn rau cắt rốn, nhất là những gia đình có con trong độ tuổi dựng vợ gả chồng.
Giá đất một số khu tại đây lên đến cả trăm triệu đồng/m2, trong khi nhiều năm trước bỏ trống và hầu như không sử dụng đến. Bà Hương tại xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) kể: “Cách đây chục năm, đất còn để hoang không có ai sử dụng. Giờ đất vùng ven đang nóng lên, đất trống không còn nhiều. Ngày trước đất rộng thì xây nhà vườn, giờ chỉ có nhà ống thôi”.
Đợt đấu giá đất vừa qua, người dân địa phương cũng mạnh dạn đi đấu giá, nhưng người đấu giá thành công thuộc loại “hiếm có khó tìm”.
Ông Phúc (60 tuổi) cho hay, người dân trong làng chỉ đấu đến 60-70 triệu đồng/m2, là dừng, còn cao hơn thì không theo nổi các nhà đầu tư. "Giá cứ neo trên 100 triệu/m2 rất khó mua. Bây giờ giá 1m2 đất bằng 1,5 lượng vàng rồi. Tính ra đem 30 lượng đi cũng chỉ mua được 20m2 thôi, không nổi nửa miếng đất”, ông Phúc nói.
Buổi đấu giá đất mới đây, xã Thanh Cao có 68 lô đất được đấu, nhưng có tới 7.000 bộ hồ sơ đăng ký. Tiền phí đăng ký là 500.000 đồng/bộ hồ sơ, nhiều gia đình mua 2 bộ để tham gia.
Chị Thủy (Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, tại địa phương hiện nhiều nhà có công ty riêng nên nhu cầu sử dụng đất tăng lên. Nhiều nhà đăng ký đấu giá 3-4 lô đất cùng lúc. Hàng xóm nhà chị may mắn đấu giá thành công 2 lô đất, diện tích 80m2/lô, vuông vắn mà lại mặt đường.
“Năm nay đúng là 'năm xếp hàng', hết vàng giờ lại đến đất. Người dân muốn tiền đầu tư vào vàng và đất sẽ yên tâm hơn”, chị Thủy nói.
Trên thực tế, người dân coi khu vực đất đấu giá vừa qua là “đất vàng” vì có vị trí siêu đẹp, nằm cạnh đường lớn. Trước đó chục năm, nhiều lô đất đẹp trong làng, diện tích trên dưới 100m2 chỉ có giá 1 tỷ đồng.
Người trẻ lo khó mua đất cất nhà
Mức giá trúng đấu giá cao tại đây sẽ đẩy giá đất các khu vực lân cận tăng theo, tạo ra một mặt bằng mới. Ngay tại địa bàn, người dân cũng nương theo giá đấu mà tăng.
Thu Hạnh (28 tuổi), người dân tại xã Thanh Cao cho biết: “Tôi rất bất ngờ, không nghĩ giá lại cao như vậy. Không chỉ trong tương lai, với thế hệ trẻ như chúng tôi cũng rất khó để mua được đất ở”.
“Hiện có rất nhiều nhà đầu tư khắp nơi đổ về “săn” đất, người dân trong làng sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh đấu giá. Ở quê, thu nhập 10 triệu/tháng, người dân không thể cạnh tranh được với mức đấu giá hơn 100 triệu/m2”, Thu Hạnh nói.
Không chỉ người dân quê lo ngại, trên diễn đàn bất động sản, nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Tài khoản Vu Lan cho hay, trong khi những nhà đầu tư từ nơi khác đến trúng đấu giá thì thường đất sẽ nằm không, còn người có nhu cầu thật sự về đất ở thì không có đất. Tài khoản này cũng như nhiều ý kiến đề xuất rằng cần có quy định sau khi đấu giá thành công, trong một thời gian nhất định chủ sở hữu phải có trách nhiệm đưa đất vào sử dụng, tránh bỏ không, hoang vu cỏ mọc, rất lãng phí.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nhận định, hiện tượng phổ biến thời gian gần đây là khi Nhà nước tổ chức đấu giá đất nền thì người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá chủ yếu không phải là người dân địa phương.
"Như cuộc đấu giá 68 lô đất tại Thanh Oai vừa qua chỉ có 2 người dân địa phương trúng đấu giá, còn lại là các nhà đầu tư từ nơi khác", ông Đỉnh dẫn chứng.
Theo ông, công cụ đấu giá đất nền bởi vậy đã biến tướng, trở thành cuộc chơi của các nhà đầu tư – những người không có nhu cầu ở thực mà chủ yếu tham gia đấu giá để rồi gần như lập tức sang tên, kiếm lời.
Đấu giá đất, bởi thế, đã đi lệch khỏi mục tiêu ban đầu, thay vì giải quyết nhu cầu ở cho người dân địa phương, công cụ này lại chủ yếu thỏa mãn nhu cầu đầu tư, thậm chí là đầu cơ, găm giữ đất. Nhiều trường hợp người trúng đấu giá là những “đầu nậu”, “cò đất” đã sử dụng các chiêu kích giá, là nguồn gốc của các đợt sốt đất.
"Hiện tượng đầu cơ, găm giữ đất với tư duy “không gì giàu bằng buôn đất” chính là nguyên nhân khiến giá nhà, đất leo thang và giấc mơ an cư của người lao động cứ thế xa dần", vị chuyên gia lo ngại.
Ông Đỉnh cho rằng, ở góc độ nào đó, nhu cầu đầu tư của người dân là chính đáng nhưng khi hiện tượng này ở mức độ cao, trở thành đầu cơ, găm giữ nhà, đất đã làm méo mó thị trường, gây hoang hóa đất đai, làm lãng phí nguồn lực.
Đằng sau các phiên đấu giá đất gây 'choáng' tại Hà Nội
- Khảo sát 30 lô đất đấu giá tại Phúc Thọ - Hà Nội, khởi điểm hơn 23 triệu/m2 02/09/2024 11:00
- Không nghỉ lễ 2/9, 1.000 hồ sơ cạnh tranh đấu giá 93 lô đất 31/08/2024 02:00
- Bình Định đấu giá 32 lô đất ở, giá khởi điểm 32 tỷ đồng 30/08/2024 07:15
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.