Cao tốc Bắc - Nam không về đích đúng hạn sẽ hụt thêm 600.000 tỷ tiền đầu tư

Văn Thanh - Phúc Tuấn - 23/04/2019 06:11 (GMT+7)

Một khi tuyến cao tốc Bắc - Nam không về đích đúng hạn, nước ta có nguy cơ bị hụt thêm 600.000 tỷ đồng tiền đầu tư cho phát triển KT-XH.

VNF
Đại diện tư vấn TEDI báo cáo đoàn công tác các vị trí địa phương đề nghị điều chỉnh phương án thiết kế.

Điều chỉnh thiết kế cao tốc: “Vì dân nhưng phải đúng luật”

Ngày 22/4, Đoàn công tác của Ủy ban kinh tế Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên và ông Dương Quốc Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cùng lãnh đạo Bộ GTVT đã tiến hành khảo sát dự án tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An

Theo báo cáo của Sở GTVT Ninh Bình, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn này có tổng chiều dài 15,2Km, được thực hiện đầu tư xây dựng thông qua hai dự án độc lập. Trong đó, dự án điều chỉnh tuyến đường kết nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với QL1A dài 8,035km (Dự án này được Bộ GTVT phê duyệt từ tháng 6/2018) đã thi công đạt được khoảng 15% khối lượng, giá trị tương đương khoảng 80 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ phần cầu trong năm 2019, phần đường vào tháng 10/2020.

Hợp phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện nay đã bàn giao được 7,5/15,245 km đất nông nghiệp và sẽ bàn giao hết mặt bằng vào tháng 9/2019. Dự kiến, tháng 6 năm nay sẽ tổ chức đầu thầu, tháng 7 lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công hoàn thành trong năm 2021. Sở GTVT Ninh Bình cho biết: sẽ cố gắng giải ngân năm 2019 là 675 tỷ đồng.

Cầu vượt QL10 đang được Sở GTVT Ninh Bình đề xuất bổ sung thêm một đơn nguyên

Ông Lê Trọng Thành - Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cho biết: Công tác GPMB gặp khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án cao tốc, đặc biệt là đoạn Cao Bồ - Mai Sơn phải GPMB 2 lần. Sau khi xong GPMB lần 1, có nhiều hộ dân sinh sống ven đường xây dựng nhà ở kiên cố trong đất thổ cư, đến nay khi GPMB lần 2 theo quy mô đường cao tốc 6 làn xe làm tăng số lượng hộ phải tái định cư và tăng kinh phí GPMB.

Người dân cũng có nhiều kiến nghị, đề xuất, trong đó có những nội dung không có trong quy định hoặc rất khó giải quyết như: đơn giá đền bù rất thấp so với giá thực tế… Bên cạnh đó, đề nghị Đoàn xem xét cho xây dựng bổ sung thêm 1 đơn nguyên cầu vượt QL10 để nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường”.

Còn ở 4 dự án thành phần từ Thanh Hóa qua Nghệ An và sang Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đại diện các chủ đầu tư cho biết: Từ 30/3/2019, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế dự án đã tiến hành bàn giao hồ sơ thiết kế cơ sở và mốc GPMB ở một số đoạn để địa phương tiến hành công tác kiểm đếm, lập phương án GPMB, bố trí tái định cư.

Đến nay, tất cả các địa phương đều đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB để thực hiện và chưa ghi nhận các vấn đề phát sinh lớn; Nếu được bố trí kinh phí có thể bắt đầu triển khai thực hiện GPMB từ tháng 5/2019. Tuy nhiên, tại khu vực cầu vượt QL7B (Nghệ An), địa phương đang kiến nghị điều chỉnh thiết kế theo phương án để cao tốc vượt đường quốc lộ, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến người dân, trong đó có 160 hộ dân đã tham gia đấu thầu đất đô thị ở khu vực bám mặt đường QL7B.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng: các điều chỉnh hướng đến lợi ích của người dân nhưng đúng luật.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết: Cao tốc Bắc - Nam là dự án rất quan trọng nên Quốc hội rất quan tâm. Về công tác GPMB, chủ đầu tư và địa phương phải phối hợp chặt chẽ xem còn vướng mắc chỗ nào thì tháo gỡ ngay. Với đề nghị đầu tư bổ sung thêm 1 đơn nguyên cầu vượt QL10, trước mắt Chủ đầu tư phải thực hiện theo đúng quyết định đã được phê duyệt. Khi nào hoàn thành thì có văn bản báo cáo Bộ GTVT và trình Quốc hội xem xét để sử dụng vốn dư để thực hiện.

Với phương án cầu vượt tại QL7B, tư vấn TEDI phải làm việc với xã huyện, xác định mức độ ảnh hưởng tới nhân dân để đưa ra phương án tối ưu. Quan điểm là các điều chỉnh không làm thay đổi tổng mức đầu tư; điều chỉnh vì dân nhưng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Tháng 5/2019, Đoàn sẽ họp bàn một lần nữa với Bộ GTVT và các địa phương, trước khi báo cáo trình Quốc hội về phương án hướng tuyến.

Cao tốc Bắc - Nam là tuyến đường huyết mạch vô cùng quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước. (Ảnh minh họa)

Không về đích đúng hạn, hụt đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng

Quá trình kiểm tra hiện trường và làm việc với chủ đầu tư, các địa phương, Đoàn công tác và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cùng thống nhất các mốc thời gian triển khai dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông. Cụ thể, đến 30/4/2019, các chủ đầu tư phải cùng với địa phương tiến hành cắm mốc xong GPMB. Tới 2019, cơ bản thực hiện xong công tác GPMB các đoạn từ Mai Sơn (Thanh Hóa) tới Bãi Vọt (Hà Tĩnh). Hết Quý I/2020 chọn được nhà đầu tư và đồng loạt khởi công thi công các dự án thành phần.

Để hoàn thành mục tiêu này, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: Bộ đã chỉ đạo các Ban QLDA, tư vấn thiết kế phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai. Bộ cũng đề nghị các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn này. Tính đến thời điểm này, các Ban QLDA, tư vấn và các địa phương vẫn đang rất nỗ lực, bám sát các mốc thời gian do Quốc hội, Chính phủ và Bộ GTVT đề ra.

Nhấn mạnh lợi ích của việc đưa dự án về đích đúng tiến độ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết: Nếu các dự án cao tốc Bắc Nam không hoàn thành vào năm 2021- 2022 như mục tiêu đề ra thì số tiền đầu tư khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư của nhà nước và nhà nước huy động qua BOT sẽ không phát huy tác dụng. Một đồng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có thể huy động thêm 3 đồng vốn vào đầu tư phát triển KT-XH. Như vậy, chúng ta sẽ hụt thêm khoảng 600 nghìn tỷ đồng tiền đầu tư vào trong phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, việc đưa các tuyến đường cao tốc đúng thời hạn sẽ mang lại nhiều lợi ích khác, nhất là về vận tải đường bộ.

Theo Giao thông
Cùng chuyên mục
Tin khác